Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Việc làm cho người khuyết tật - cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Việc làm hiện đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Giải quyết được vấn đề việc làm chính là chúng ta đã phát huy được nhân tố con người, góp phần làm ổn định kinh tế, lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người lao động. Trong đó, giải quyết được việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa xã hội rất lớn. Một mặt, phát huy được nguồn lao động trong xã hội, mặt khác, giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, tự ti, hòa nhập với cộng đồng.

Thực trạng việc làm của người khuyết tật

Thực tế đang diễn ra tình trạng nhiều người khuyết tật sống khép kín hoặc bị tách ra khỏi xã hội. Có những rào cản đã làm hạn chế cơ hội của họ tham gia vào nhiều hoạt động xã hội như rào cản về môi trường sống, thái độ của cộng đồng; luật pháp; cách giao tiếp... Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người khuyết tật, vô hình trung đã làm tăng khoảng cách của người khuyết tật với cộng đồng.

Có một thực tế là khi chúng ta chưa có một cách nhìn toàn diện thì chưa thể phát huy được giá trị từ người khuyết tật có thể mang lại cho xã hội. Thời gian qua, tại một số doanh nghiệp, việc tuyển dụng người lao động vào làm việc không đủ về số lượng yêu cầu, nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu kênh thông tin để tiếp cận với lao động là người khuyết tật. Tùy từng doanh nghiệp, tùy loại hình sản xuất, kinh doanh, người khuyết tật có thể đảm đương được công việc một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng lao động là người khuyết tật tại doanh nghiệp, xí nghiệp thời gian qua chưa nhiều. Các doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động này đều trên tinh thần nhân đạo của người quản lý, hay theo chương trình hợp tác dự án với các tổ chức nhân đạo nước ngoài, chưa thực sự vì nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Theo cuộc điều tra dân số năm 2009 tại Việt Nam, có 7,8% dân số tương đương 6,1 triệu người Việt Nam là người khuyết tật. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ước tính, 69% người khuyết tật đang ở độ tuổi lao động và trong số đó chỉ có 30% là có việc làm và thu nhập ổn định để chăm lo cho bản thân và gia đình. Thực trạng này cho thấy, một nguồn lao động rất lớn mà xã hội chưa sử dụng hết từ người khuyết tật.

Doanh nghiệp cũng chia sẻ

Việc giải quyết việc làm cho người khuyết tật đang là mối quan tâm toàn cầu. Để tạo cơ hội cho người khuyết tật có điều kiện học hỏi và cống hiến nhiều hơn cho xã hội, thời gian qua, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp thực hiện một chương trình đào tạo kết hợp với tư vấn tại nhà máy cho các doanh nghiệp có quy mô từ vừa đến lớn tại 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Hải Dương với mục tiêu “Cơ hội cho mọi người”. Đây được coi là chương trình triển khai dự án có ý nghĩa xã hội rất lớn, nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng chính sách và chiến lược về phòng ngừa HIV và hòa nhập người khuyết tật với cộng đồng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người khuyết tật có được sự hợp tác và gắn kết. Qua đó, doanh nghiệp có được những thông tin cần thiết để tuyển dụng người lao động là người khuyết tật. Về phía người khuyết tật cũng chủ động hơn trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn để đủ tự tin tham gia tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp có nhu cầu. Sau khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp đã có được những thông tin để tuyển dụng nguồn lao động là người khuyết tật. Công ty Cổ phần Hoa Lan là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh hóa mỹ phẩm, chất diệt trùng, xà phòng thơm, bao bì carton... đã tuyển dụng được 3 người khuyết tật vào làm việc tại xưởng đóng gói. Theo Chủ tịch Công đoàn công ty Hoàng Đình Duy thì những người lao động khuyết tật được tuyển vào làm việc rất có trách nhiệm và đạt hiệu quả lao động cao như những người lao động bình thường. Đây là bước khởi đầu khả quan, mở ra một hướng mới cho các doanh nghiệp về kênh thông tin trong tuyển dụng lao động, mặt khác, giúp người khuyết tật có được công việc ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, tạo thêm niềm tin vào cuộc sống.

Chia sẻ cảm xúc của mình khi được tuyển vào làm việc vào Công ty Ford Việt Nam đóng tại Hải Dương, chị Nguyễn Thị Phượng một người bị khuyết tật cho biết, tôi rất may mắn sau khi tốt nghiệp đại học đã được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty và gắn bó từ đó cho đến nay đã gần 10 năm. Đối với những người khuyết tật như chị, đó là sự may mắn và hạnh phúc, môi trường làm việc rất thuận lợi, được đồng nghiệp chia sẻ, giúp đỡ, được lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để chị hoàn thành tốt công việc và có thu nhập ổn định. Mong sao, những người khuyết tật khác cũng có được cơ hội được làm việc, được cống hiến, cộng đồng có sự đồng cảm hơn đối với những người khuyết tật kém may mắn.

Cần có giải pháp đồng bộ

Một tấm lòng tốt, sự sẻ chia của cộng đồng trong việc tạo việc làm cho người khuyết tật không thôi chưa đủ. Vì như thế người khuyết tật dễ cảm thấy họ đang được làm việc trong một tổ chức nhân đạo chứ thực sự bản thân mình chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Để tạo được việc làm và khuyến khích người khuyết tật làm việc rất cần các chính sách xã hội, pháp luật của Nhà nước dành riêng cho vấn đề này. Trong Luật Lao động, có nhiều điều khoản ưu tiên cho lao động khuyết tật như bố trí công việc phù hợp dựa trên tính chất, thể trạng, khả năng lao động; tỷ lệ lao động là người khuyết tật mà doanh nghiệp phải tuyển dụng. Tuy nhiên, cơ hội việc làm cho người khuyết tật khá hiếm hoi. Nguyên nhân là do chưa có chế tài, cơ chế giám sát thỏa đáng nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động khuyết tật nên nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đối tượng này. Mặt khác, do cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp tuyển dụng chưa đảm bảo để người lao động khuyết tật làm việc một cách thuận tiện nên giữa nhà tuyển dụng và người khuyết tật vẫn chưa có được tiếng nói chung, cơ hội việc làm cho người khuyết tật vẫn là một rào cản. Một nguyên nhân khác là chính sách hỗ trợ cho các cơ sở có nhiều người lao động khuyết tật chưa thoả đáng. Theo quy định: sau 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật được hưởng các chính sách như được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và thu hút thêm người tàn tật vào làm việc... Tuy nhiên, khi cần vốn để phát triển vì nhiều lý do khách quan, các cơ sở này khó tiếp cận được nguồn vốn. Trong khi tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc tại doanh nghiệp, phía doanh nghiệp cũng đã phải tính đến các chi phí riêng để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc thuận tiện và được thụ hưởng chính sách như những lao động khác. Vì thế việc tuyển dụng lao động là người khuyết tật vào làm việc vẫn chủ yếu bắt đầu từ tình thương của nhà tuyển dụng, chưa thực sự là nhu cầu thực của doanh nghiệp.

Hiện nay, rất nhiều cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật được mở ra theo chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa gắn với việc làm. Nếu người khuyết tật đào tạo ra mà không tìm được việc làm thì dễ dẫn đến tâm lý bế tắc. Do đó, các cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật cần phải chú ý đến đầu ra cho người lao động, tạo tâm lý ổn định, và nâng cao ý chí phấn đấu, nâng cao kỹ năng làm việc của người khuyết tật ngay sau khi kết thúc các khóa đào đạo. 

Truyền thông góp phần giải quyết việc làm cho người khuyết tật

Một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc tạo việc làm cho người khuyết tật đó chính là sự đóng góp thiết thực và hiệu quả của cơ quan truyền thông. Chính truyền thông có vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức xã hội và tạo ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của công chúng. Việc lựa chọn ngôn từ, hình ảnh và thông điệp có thể giúp hình thành nhận thức, thái độ, hành vi của xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng. Việc tuyên truyền về những tấm gương người khuyết tật vượt lên số phận để sống có ích cho xã hội có tác động rất lớn tới tâm lý của cộng đồng người khuyết tật. Người khuyết tật thường ít có cơ hội tiếp cận được thông tin về chính sách, luật pháp và những chương trình, dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân. Sự thiếu thông tin, kiến thức này làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nói chung. Chính vì thế, truyền thông phải là kênh thông tin quan trọng góp phần để cộng đồng xã hội hiểu rõ hơn về người khuyết tật, hiểu rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng của họ - nguyện vọng được sống, được làm việc, được chia sẻ từ cộng đồng và từ các chính sách xã hội. Truyền thông phải xác định được trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy bình đẳng về cơ hội, tiếp cận dịch vụ và thông tin đối với người khuyết tật. Đây cũng chính là cơ hội để nhà tuyển dụng và người khuyết tật tìm đến với nhau. Giải quyết được việc làm cho người khuyết tật thông qua truyền thông có một ý nghĩa xã hội rất lớn, đó là một phần rất quan trọng của chiến lược xóa đói giảm nghèo - một mục tiêu lớn không chỉ ở Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế đang cùng nỗ lực phấn đấu.

Để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía người khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”. Đã đến lúc, cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người quản lý. Có như vậy, người khuyết tật mới được hưởng đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý như những người lao động bình thường khác, góp phần đưa ước nguyện “hãy đưa chúng tôi hòa nhập với cộng đồng” của người khuyết tật trở thành hiện thực.
Theo daibieunhandan.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét