Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Người khuyết tật khó xin việc vì không được đào tạo

Ông Đào Mạnh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ công tác học sinh - sinh viên (Tổng Cục dạy nghề) nhận định, người khuyết tật đang mất đi nhiều cơ hội làm việc tốt do họ được đào tạo nghề quá ít. Nếu các doanh nghiệp muốn tuyển người khuyết tật vào làm việc thì cũng rất khó mà tìm được người có chuyên môn, tay nghề phù hợp với yêu cầu.

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo phát triển mô hình dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức.

Ông Thủy cho biết, mặc dù có hệ thống chính sách hỗ trợ từ ngân sách, tuy nhiên kết quả đào tạo nghề cho người khuyết tật những năm qua còn rất khiêm tốn. Hiện nay, số người khuyết tật được dạy nghề hàng năm chỉ chiếm khoảng 0,4% số người được dạy nghề cả nước, chiếm 3% số người khuyết tật trong khi tỷ lệ người khuyết tật chiếm tới 8% dân số.

Các đại biểu tại hội thảo cũng cho rằng việc đào tạo nghề cho người khuyết tật chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ từ phía các địa phương và các doanh nghiệp. Tại nhiều tỉnh, Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật chưa được thành lập nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp nhận người khuyết tật cũng không nhận được tiền hỗ trợ theo quy định hiện hành từ nguồn quỹ này.

Trong khi đó, nền kinh tế thị trường với mục tiêu lợi nhuận đang trở thành lực cản trong dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khi tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc nếu không được thực hiện tại các địa phương thì sẽ không tạo được lực đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tạo việc làm cho người khuyết tật.

Tại hội thảo, những thành công và bài học kinh nghiệm của các mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đạt hiệu quả cao tại Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh… cũng đã được chia sẻ để làm mô hình nhân rộng tại các địa phương trên cả nước. 

Những mô hình này chủ yếu đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, kỹ thuật nuôi trồng… Những ngành nghề này được được các chuyên gia cho rằng sẽ trở thành công việc dành riêng cho người khuyết tật trong tương lai.

Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam cho rằng, mặc dù đầu ra cho các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp do người khuyết tật sản xuất hiện nay chưa ổn định nhưng nguồn lao động tại nông thôn đang có xu hướng đi vào các khu công nghiệp hoặc làm kinh tế tư nhân nên những ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp trong tương lai sẽ dành cho những đối tượng là người khuyết tật…

Theo ông Nguyễn Đình Liêu thì cần phải nghiên cứu ban hành danh mục nghề đào tạo phù hợp với các dạng tật, danh mục các cơ sở đăng ký đào tạo nghề cho người khuyết tật; hỗ trợ quảng cáo, truyền thông cho các sản phẩm của người khuyết tật sản xuất… để có thể giúp họ có được công việc ổn định và lâu dài.

Theo kinh nghiệm của các địa phương thực hiện các mô hình đào tạo nghề cho người khuyết tật thì mỗi dạng tật của người khuyết tật chỉ phù hợp với một số nghề nhất định nên dạy nghề cho họ có nhiều khó khăn, chi phí cao hơn so với dạy nghề thông thường; thời gian đào tạo nghề cho người khuyết cũng nên tăng lên 5-6 tháng thay vì 3 tháng như hiện nay… 

Các chuyên gia cho rằng, để có thể thực hiện tốt những chính sách dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật thì cần các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện, bố trí nguồn ngân sách để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách đối với người khuyết tật tới các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, bản thân người khuyết tật; khảo sát, thống kê, phân loại người khuyết tật theo dạng tật và khả năng lao động./.
Theo nccd.molisa.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét