Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật Quảng Ninh: Còn nhiều bất cập

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 19.000 người khuyết tật. Trong những năm qua, công tác chăm sóc người khuyết tật (NKT) nói chung, dạy nghề, tạo việc làm nói riêng đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, tạo điều kiện, giúp NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng NKT tham gia học nghề còn chưa cao, hiệu quả tạo việc làm vẫn còn hạn chế.

Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người khuyết tật đã được Sở LĐ,TB&XH đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền, tư vấn phong phú đa dạng, phù hợp với điều kiện và trình độ nhận thức của người khuyết tật.

Trong giai đoạn 2012 - 2014 Quảng Ninh đã phát triển công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh, tư vấn việc làm cho gần 4.000 người khuyết tật có khả năng lao động. Đến năm 2014, tỉnh đã vận động thành lập và công nhận 08 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, đào tạo nghề cho 336 lao động là người khuyết tật với mức thu nhập ổn định và có 03 cơ sở vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho người khuyết tật. Một số cơ sở dạy nghề được đánh giá là có uy tín và đã triển khai rất tích cực công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật từ nhiều năm nay, đó là Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật tỉnh, Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề (thuộc LĐLĐ tỉnh), Công ty CP Mai Hoàng, Công ty CP May Quảng Ninh và Công ty TNHH May Ngọc Bích. Ngoài các lớp dạy nghề do tỉnh hỗ trợ chi phí, những đơn vị này cũng tự mở các lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2012 đã có những thay đổi phù hợp hơn với đối tượng là người khuyết tật. Nhờ được xét chung trong nhóm đối tượng được ưu tiên, người khuyết tật được tham gia các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện bản thân. Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề nếu có khả năng mở lớp riêng thì vẫn có thể tận dụng kinh phí từ Quỹ giải quyết việc làm cho người tàn tật của tỉnh. 
Những kết quả trên, tuy chưa lớn nhưng là những dấu hiệu đáng mừng, là cơ sở hết sức quan trọng giúp Quảng Ninh đánh giá rút kinh nghiệm và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động công tác tạo việc làm cho người khuyết tật.

Tuy nhiên, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT ở Quảng Ninh còn rất nhiều khó khăn, tồn tại. Ông Vũ Văn Thông - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cho biết, tính đến năm 2014 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở dạy nghề, dạy chữ chính quy chuyên nghiệp thuộc hệ thống của Nhà nước dành riêng cho người khuyết tật. Còn thiếu các cơ sở đảm bảo vừa dạy nghề, vừa tạo việc làm, tạo thu nhập cho người khuyết tật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động còn thiếu và yếu nghiêm trọng. Hiện những chính sách hỗ trợ mới chỉ thông qua các doanh nghiệp, chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp phương tiện, công cụ lao động cho NKT.

Ông Đặng Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật tỉnh cho biết: “Người khuyết tật không như những đối tượng khác. Với những người khuyết tật vận động, họ rất khó khăn trong việc đi lại. Ngay như cả với những người khuyết tật nghe, nhìn thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc học. Đó còn chưa kể đến gánh nặng về tâm lý. Đa phần họ vẫn bị mặc cảm và chưa tự tin khi học nghề”.
Cũng theo ông Ngọc, từ năm 2012, chi phí giám định cho đối tượng người khuyết tật đi học tăng cao, thế nhưng khoản này không có trong chi phí hỗ trợ của tỉnh. Vì thế, người khuyết tật cũng chẳng mấy mặn mà với việc học nghề, dù trước mỗi khoá học, cán bộ Trung tâm dành khá nhiều thời gian, xuống tận địa phương, từng xã, phường để xác định và nắm bắt nhu cầu; đồng thời, phổ biến chính sách tới tận từng hộ dân có người khuyết tật, làm công tác tư tưởng để vận động những người khuyết tật còn khả năng lao động.

Theo chị Nguyễn Thị Thơm - Giám đốc Cty TNHH May Ngọc Bích, đào tạo NKT rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết lớn. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà với việc đào tạo và nhận NKT vào làm. Thêm vào đó, những rào cản về cơ chế chính sách cũng khiến cho việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật chưa thực sự hiệu quả. 
Công ty TNHH MTV nhân đạo Diêu Bông hiện có 20 nhân viên khuyết tật vừa học vừa làm. Mặc dù có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho người khuyết tật song, công ty này vẫn chọn giải pháp tự trang trải các chi phí do một số bất cập trong chính sách. Chị Châu Thị Bông - GĐ công ty TNHH MTV Nhân đạo Diêu Bông chia sẻ: Để được hỗ trợ, điều kiện đặt ra là các cơ sở như chúng tôi phải mở lớp từ 20 người trở lên. Với quy định đó, chi phí 1,1 triệu đồng không thể đủ để hỗ trợ tiền ăn, ngủ, đi lại, dạy nghề...

Có thể khẳng định, đào tạo nghề cho người khuyết tật là việc làm vô cùng cần thiết, mở ra hy vọng về một cuộc sống ổn định cho người khuyết tật. Kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn rất nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh rất muốn được tham gia các chương trình đào tạo nghề để có thể tiếp cận với các cơ hội việc làm, tạo thu nhập nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa và có những sự điều chỉnh hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học và cả các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật.
Theo btxh.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét