Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Phát triển dạy nghề và tạo việc làm đối với người khuyết tật: Còn nhiều khó khăn và thách thức


Sáng 29/6, Hội thảo “Phát triển dạy nghề và tạo việc làm đối với người khuyết tật” đã được tổ chức tại thành phố Bắc Giang với sự tham dự của lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội, Cục Việc làm – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng nhiều đại diện của các đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang


Nội dung hội thảo đã đề cập tới các vấn đề liên quan tới thực trạng dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật; những quy định và chính sách đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động khuyết tật và đối với người lao động khuyết tật và vai trò của tổ chức công đoàn. Các mô hình phục hồi chức năng cũng như tình hình thị trường lao động dành cho nhóm đối tượng này.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam (VAIDE) cho biết, hiện nay số đông người khuyết tật chưa có việc làm và phải sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Trường hợp người khuyết tật có việc làm thì công việc chủ yếu là làm nông nghiệp. Chỉ 5% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, buôn bán và một số ít làm việc trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, người khuyết tật còn khả năng lao động chưa được ưu tiên trong việc tiếp cận các việc làm phù hợp.

Cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó khoảngi 37% là hộ nghèo; 24% ở nhà tạm; 34,4% từ 6 tuổi chưa biết chữ; 21 % chưa tốt nghiệp tiểu học; 88,94% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn. Đây là những cản trở người khuyết tật tiếp cận học nghề, tìm việc làm. Thực tế, người khuyết tật vẫn có thể đóng góp cho xã hội nếu họ có kỹ năng, việc làm và được trợ giúp thích hợp.

Nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho người khuyết tật, hàng năm, thông qua Chương trình Quốc gia về việc làm, trực tiếp là Dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, đã hỗ trợ và tự tạo việc làm cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm cũng đã thu hút một lượng lớn người khuyết tật tham gia học nghề. Ông Ngô Xuân Liễu – Đại diện Cục Việc làm – Bộ LĐTBXH cho biết, hiện nay, nhiều quy định pháp luật hỗ trợ người khuyết tật đã được triển khai, tuy nhiên việc thực hiện trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, còn thiếu các chương trình, dự án, nguồn lực để đưa các quy định vào thực tiễn cuộc sống. Người khuyết tật cơ bản vẫn tự tìm kiếm việc làm, chính quyền địa phương chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích cụ thể đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc, chưa khuyến khích họ tạo ra hay tổ chức các công việc phù hợp với khả năng lao động của người khuyết tật.Với thực tế trên, nhiều kiến nghị và đề xuất cũng đã được các đại biểu đưa ra. Đó là tiếp tục mở rộng các đối tượng được hỗ trợ tại các địa bàn, địa phương có nhiều người khuyết tật và chưa được trợ giúp; xúc tiến triển khai nhanh công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật giai đoạn tiếp theo. Từ những đặc điểm của người khuyết tật, mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại cộng đồng cần bổ sung thêm các hoạt động phụ trợ để tạo ra môi trường thích ứng hơn đối với nhóm đối tượng này.
Theo thanhhoa.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét