Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Người khuyết tật Việt Nam: Gian truân tìm việc


Với khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (NKT) trên 5 tuổi và gần 2 triệu NKT trong độ tuổi lao động, từ lâu công tác dạy nghề, đào tạo nghề cho người khuyết tật đang được cả xã hội và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy băn khoăn đó là việc giải quyết việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có một công việc với thu nhập cụ thể, ổn định cuộc sống một cách bền vững.


Không dễ xin việc

Ông Nguyễn Đình Liêu, Đại biểu QH Khóa 12, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, việc đào tạo nghề gắn với mục đích thiết thực là giúp NKT có được việc làm, thu nhập cụ thể trong một thời gian dài chính là mục tiêu mà các trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật đang hướng đến. Tuy nhiên, để đạt được mục đích này lại không hề đơn giản, bởi thực tế do rào cản sức khỏe, nhận thức nên rất khó để người lao động có thể làm việc như người bình thường được. Tuy nhiên, hiện có khoảng 60-70% số NKT khi được đào tạo nghề xong có thể sống được bằng nghề của chính mình. "Với nhiều nghề đơn giản như nghề may, nghề thủ công mỹ nghệ, nghề vi tính văn phòng hay y tế, giáo dục, nhạc lý… NKT nếu biết phấn đấu, cố gắng vẫn có thể làm việc như người bình thường. Ngoài ra, việc quay trở lại làm việc ở chính những trung tâm dạy nghề, trung tâm bảo trợ cho NKT cũng là một kênh giải quyết việc làm rất tốt cho những người có hoàn cảnh không may mắn”, ông Liêu nhấn mạnh.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Huỳnh Thị Thủy, một NKT đang theo học nghề vi tính văn phòng ở Trung tâm dạy nghề cho NKT TP. HCM (ở Hóc Môn) cho biết: "Mặc dù tất cả các chi phí ăn, ở và học nghề đều do Trung tâm lo liệu, nhưng mình cũng như những bạn bè khác đều có một băn khoăn, là sau khi học xong liệu có tìm được việc làm ổn định liệu có nuôi sống bản thân hay không? Nếu xin vào các cơ quan, doanh nghiệp thì sẽ rất khó khăn, bởi thực tế năng suất lao động của chúng tôi sẽ không thể bằng người thường được, nhất là người khiếm thị, khiếm thính... Nhiều NKT thậm chí chấp nhận xin giảm lương, thưởng để có được việc làm mong có thu nhập cho bản thân”. Tương tự, Nguyễn Hoàng Giang, một NKT khác ở Lâm Đồng sau khi học xong nghề làm hoa đất ở Trung tâm dạy nghề cho NKT TP. HCM cũng trải qua quãng thời gian khó khăn vì không xin được việc làm. Mặc dù có thể tự làm những sản phẩm mỹ nghệ đặc trưng này nhưng việc bán ra thị trường rất khó khăn, mà xin vào các doanh nghiệp chuyên cung cấp hoa đất lại vướng phải rào cản khác là bởi mặt bằng lương tính theo sản phẩm khiến cô không theo kịp. Chính vì thế, sau mấy năm học nghề, muốn gắn bó với nghề mà Giang cũng không có cơ hội để chứng tỏ bản thân mình.

Cần ưu tiên đặc thù

Đánh giá về những khó khăn mà NKT thường gặp phải sau khi học nghề xong, ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật cho biết, ngoài tâm lý e ngại khi sử dụng lao động là NKT, nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng chưa có những ưu tiên cần thiết đối với NKT. Theo ông Cừ, trình độ văn hóa và tay nghề của NKT không thể bằng người thường được nên cần có một cơ chế đặc thù, hay những ưu tiên nhất định như giảm thuế, biểu dương đối với các doanh nghiệp mạnh dạn sử dụng lao động là NKT để khuyến thích, nhân lên những mô hình đó. Bên cạnh đó, một số giải pháp cũng được lãnh đạo Hội Bảo trợ người khuyết tật đưa ra nhằm giải quyết việc làm cho NKT như việc hình thành các kênh sản xuất và tiêu thụ riêng cho sản phẩm của họ làm ra. Sự quan tâm, chia sẻ và hòa đồng của cộng đồng chính là giải pháp tốt nhất để NKT cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Theo cô Đinh Thị Hỏi, Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho NKT TP. HCM nhìn nhận, việc giải quyết việc làm cho NKT hiện nay rất khó khăn, chủ yếu dựa vào sự tự vận động của chính bản thân các học viên, cùng các mối quan hệ của trung tâm. Ngoài ra, còn một khó khăn nữa là hầu hết NKT lại không thể tự tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phát triển năng lực bản thân, mà phải thông qua các Hội hỗ trợ khác như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… khiến việc phát triển kinh tế, thậm chí là vươn lên làm giàu của NKT còn nhiều vướng mắc. Với hơn 1.200 cơ sở, trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật nằm rải rác khắp cả nước, việc tạo điều kiện để tất cả NKT đều có việc làm sau khi học nghề không những chỉ mang đến nguồn thu nhập, cuộc sống bền vững cho họ, mà còn là ổn định đời sống xã hội góp phần vào việc phát triển kinh tế cho cộng đồng.
Theo bhxhlamdong.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét