Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Ở Hải Dương, những hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) đã và đang giúp hàng nghìn NKT vươn lên, tạo dựng cuộc sống tự lập, xây dựng gia đình hạnh phúc và có những đóng góp cho xã hội.

Mái trường nuôi dưỡng ước mơ
Những năm trước, khi sức ép về lao động việc làm đang còn đè nặng, người bình thường có sức khỏe tốt muốn kiếm việc làm không phải là chuyện dễ. Vì vậy, mong ước có được việc làm để tự nuôi sống bản thân của NKT như những giấc mơ xa vời. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Hải Dương trở thành một điểm sáng của tỉnh về công tác dạy chữ, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho NKT.

Phó Giám đốc Trung tâm BTXH Hải Dương Nguyễn Thị Oanh cho biết: Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận khoảng 50 trẻ khiếm thính (câm, điếc) từ sáu đến tám tuổi. Khi mới vào trung tâm, các em sống khép nép và rất mặc cảm, tự ti. Ðể các em hòa nhập được với cộng đồng, khi trưởng thành có việc làm, cán bộ, giảng viên của trung tâm phải rất tâm huyết trong việc nuôi dưỡng, dạy chữ, dạy ngôn ngữ ký hiệu và dạy kỹ năng sống cho các em. Học hết chương trình tiểu học, các em được chuyển sang học nghề phù hợp trước khi bước vào cuộc sống tự lập. Hiện nay, gần 250 trẻ khiếm thính từ bảy đến 16 tuổi đang được trung tâm nuôi dưỡng. Bằng ngôn ngữ ký hiệu và qua ánh mắt, cử chỉ, ở các em toát lên sự hồn nhiên và sự tự tin hướng tới những điều tốt đẹp của cuộc sống. Năm 2010, trung tâm mở 10 khóa học nghề, cấp chứng chỉ cho 436 NKT, trong đó có gần 200 em được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc. Nhiều em đã tự mở cửa hàng, cửa hiệu và sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Cùng với Trung tâm BTXH Hải Dương, cán bộ, nhân viên của Trung tâm giới thiệu việc làm (Liên đoàn Lao động tỉnh) cũng đã dành nhiều tâm huyết cho các chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật. Từ năm 2003 đến nay, trung tâm đã đào tạo nghề cho 350 NKT, giới thiệu hơn 200 người vào làm việc tại các doanh nghiệp. Trung tâm giới thiệu việc làm 8-3 (Hội LHPN tỉnh) cũng đã đào tạo nghề cho hơn 300 NKT phần lớn là các bé gái, phụ nữ nông thôn. Sau khi hoàn thành các khóa dạy nghề, trung tâm tạo việc làm ổn định cho chị em bằng cách gắn việc làm của NKT với các cơ sở sản xuất đã từng tham gia chương trình dạy nghề cho nông dân và chương trình dạy nghề cho phụ nữ.

Ðiểm đến của người khuyết tật
Công ty mỹ nghệ Hồng Ngọc (Chí Linh) thành lập năm 1996 với mục đích thu nhận trẻ em khuyết tật vào dạy nghề và tạo việc làm phù hợp. Công ty đang tạo việc làm cho gần 400 lao động là NKT và thương binh. Các nghề chính ở công ty là may, thêu, chạm khắc đá, kim hoàn, sơn mài... NKT làm việc ở công ty được hỗ trợ tiền ăn, chỗ nghỉ, có thu nhập ổn định, bình quân hơn hai triệu đồng/tháng/người. Theo ông Ðoàn Xuân Tiếp, cái được lớn nhất và là niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là doanh nghiệp đã và đang tiếp tục giúp NKT biến những ước mơ thuở nhỏ trở thành hiện thực. Từ những người sống lệ thuộc, luôn mặc cảm, tự ti, họ đã hòa nhập với cộng đồng, có khả năng lao động không những tự nuôi sống bản thân mà còn đóng góp cho xã hội. Từ 'mái ấm' Hồng Ngọc, nhiều NKT đã tìm thấy hạnh phúc gia đình. Ðã có 17 đôi làm việc tại công ty nên vợ nên chồng. Ðáng mừng nhất là các cháu sinh ra đều khỏe mạnh, không bị dị tật.

Hà Duy Luân, sinh năm 1979 tâm sự: 'Sinh ra trong một gia đình nghèo lại bị khuyết tật vận động, tôi luôn nghĩ mình là người bỏ đi, đến tuổi trưởng thành càng buồn vì nghĩ mình khó có thể xây dựng gia đình'. Nhưng khi vào làm việc tại 'mái ấm' Hồng Ngọc, tình yêu đôi lứa đã nảy nở giữa Luân và cô gái Bùi Thị Xuân. Hai người kết hôn năm 2003 và họ có hai cháu trai kháu khỉnh.

Chị Nguyễn Thị Tình ở xã Cộng Hòa (Chí Linh) bại liệt hai chân từ nhỏ. Vào công ty năm 1996, do chăm chỉ, chịu khó cộng với đôi bàn tay 'vàng', nghề thêu của Tình mỗi tháng cho thu nhập hơn bốn triệu đồng. Nhờ vậy, Tình đã giúp cha mẹ xây được ngôi nhà hai tầng và nuôi em trai tốt nghiệp đại học.

Cơ sở mộc của anh Hoàng Văn Thứ ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) hiện đang cưu mang và tạo việc làm cho 19 NKT từ 16 đến 26 tuổi. Các em thường xuyên ăn nghỉ tại gia đình anh Thứ như những người thân. Công việc của NKT được anh Thứ bố trí phù hợp với sức khỏe, chủ yếu là chạm, khắc gỗ. Anh Phạm Xuân Năng (1985) bị tàn phế đôi chân phải ngồi trên xe lăn làm việc nhưng cũng có thu nhập 120-150 nghìn đồng/ngày. Các em Ðỗ Văn Phương (trẻ mồ côi), Hoàng Văn Tú (thiểu năng trí tuệ) vừa học việc xong đã có thu nhập 50 nghìn đồng/ngày.

Sự quan tâm của cộng đồng
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương Trịnh Xuân Thành khẳng định: Hải Dương là tỉnh sớm quan tâm công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật. Năm 2006, tỉnh xây dựng đề án 'Trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010'. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 123,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí huy động từ cộng đồng là 49,6 tỷ đồng. Hải Dương có hơn 43 nghìn NKT, ngoài việc thực hiện tốt các chế độ chính sách về trợ cấp xã hội, nuôi dưỡng tập trung, hỗ trợ về y tế, giáo dục, tỉnh đặc biệt coi trọng việc hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Tuy vậy, một số địa phương trong tỉnh chưa quan tâm xây dựng kế hoạch trợ giúp NKT, cho nên tỷ lệ NKT được học nghề, tạo việc làm còn thấp; nhiều doanh nghiệp chưa muốn tiếp nhận NKT vào làm việc; nhu cầu được học chữ, học nghề của nhiều trẻ khiếm thính chưa được đáp ứng bởi cơ sở vật chất của trung tâm BTXH tỉnh chật hẹp và còn nhiều bất cập. Hiện nay, ngành lao động, thương binh và xã hội Hải Dương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho toàn dân về công tác bảo vệ, chăm sóc NKT; mở rộng và nâng cao năng lực các mô hình dạy chữ, dạy nghề, gắn với việc làm để NKT có điều kiện vươn lên, tạo lập cuộc sống bình đẳng trong cộng đồng; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, bảo vệ NKT, trong đó tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế cùng tham gia...
Theo 18thang4.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét