Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật Quảng Ninh: Còn nhiều bất cập

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 19.000 người khuyết tật. Trong những năm qua, công tác chăm sóc người khuyết tật (NKT) nói chung, dạy nghề, tạo việc làm nói riêng đã được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, tạo điều kiện, giúp NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng NKT tham gia học nghề còn chưa cao, hiệu quả tạo việc làm vẫn còn hạn chế.

Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người khuyết tật đã được Sở LĐ,TB&XH đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền, tư vấn phong phú đa dạng, phù hợp với điều kiện và trình độ nhận thức của người khuyết tật.

Trong giai đoạn 2012 - 2014 Quảng Ninh đã phát triển công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh, tư vấn việc làm cho gần 4.000 người khuyết tật có khả năng lao động. Đến năm 2014, tỉnh đã vận động thành lập và công nhận 08 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, đào tạo nghề cho 336 lao động là người khuyết tật với mức thu nhập ổn định và có 03 cơ sở vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho người khuyết tật. Một số cơ sở dạy nghề được đánh giá là có uy tín và đã triển khai rất tích cực công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật từ nhiều năm nay, đó là Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật tỉnh, Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề (thuộc LĐLĐ tỉnh), Công ty CP Mai Hoàng, Công ty CP May Quảng Ninh và Công ty TNHH May Ngọc Bích. Ngoài các lớp dạy nghề do tỉnh hỗ trợ chi phí, những đơn vị này cũng tự mở các lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2012 đã có những thay đổi phù hợp hơn với đối tượng là người khuyết tật. Nhờ được xét chung trong nhóm đối tượng được ưu tiên, người khuyết tật được tham gia các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện bản thân. Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề nếu có khả năng mở lớp riêng thì vẫn có thể tận dụng kinh phí từ Quỹ giải quyết việc làm cho người tàn tật của tỉnh. 
Những kết quả trên, tuy chưa lớn nhưng là những dấu hiệu đáng mừng, là cơ sở hết sức quan trọng giúp Quảng Ninh đánh giá rút kinh nghiệm và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động công tác tạo việc làm cho người khuyết tật.

Tuy nhiên, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT ở Quảng Ninh còn rất nhiều khó khăn, tồn tại. Ông Vũ Văn Thông - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cho biết, tính đến năm 2014 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở dạy nghề, dạy chữ chính quy chuyên nghiệp thuộc hệ thống của Nhà nước dành riêng cho người khuyết tật. Còn thiếu các cơ sở đảm bảo vừa dạy nghề, vừa tạo việc làm, tạo thu nhập cho người khuyết tật. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động còn thiếu và yếu nghiêm trọng. Hiện những chính sách hỗ trợ mới chỉ thông qua các doanh nghiệp, chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp phương tiện, công cụ lao động cho NKT.

Ông Đặng Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật tỉnh cho biết: “Người khuyết tật không như những đối tượng khác. Với những người khuyết tật vận động, họ rất khó khăn trong việc đi lại. Ngay như cả với những người khuyết tật nghe, nhìn thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc học. Đó còn chưa kể đến gánh nặng về tâm lý. Đa phần họ vẫn bị mặc cảm và chưa tự tin khi học nghề”.
Cũng theo ông Ngọc, từ năm 2012, chi phí giám định cho đối tượng người khuyết tật đi học tăng cao, thế nhưng khoản này không có trong chi phí hỗ trợ của tỉnh. Vì thế, người khuyết tật cũng chẳng mấy mặn mà với việc học nghề, dù trước mỗi khoá học, cán bộ Trung tâm dành khá nhiều thời gian, xuống tận địa phương, từng xã, phường để xác định và nắm bắt nhu cầu; đồng thời, phổ biến chính sách tới tận từng hộ dân có người khuyết tật, làm công tác tư tưởng để vận động những người khuyết tật còn khả năng lao động.

Theo chị Nguyễn Thị Thơm - Giám đốc Cty TNHH May Ngọc Bích, đào tạo NKT rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết lớn. Đây cũng chính là một trong các nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà với việc đào tạo và nhận NKT vào làm. Thêm vào đó, những rào cản về cơ chế chính sách cũng khiến cho việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật chưa thực sự hiệu quả. 
Công ty TNHH MTV nhân đạo Diêu Bông hiện có 20 nhân viên khuyết tật vừa học vừa làm. Mặc dù có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho người khuyết tật song, công ty này vẫn chọn giải pháp tự trang trải các chi phí do một số bất cập trong chính sách. Chị Châu Thị Bông - GĐ công ty TNHH MTV Nhân đạo Diêu Bông chia sẻ: Để được hỗ trợ, điều kiện đặt ra là các cơ sở như chúng tôi phải mở lớp từ 20 người trở lên. Với quy định đó, chi phí 1,1 triệu đồng không thể đủ để hỗ trợ tiền ăn, ngủ, đi lại, dạy nghề...

Có thể khẳng định, đào tạo nghề cho người khuyết tật là việc làm vô cùng cần thiết, mở ra hy vọng về một cuộc sống ổn định cho người khuyết tật. Kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn rất nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh rất muốn được tham gia các chương trình đào tạo nghề để có thể tiếp cận với các cơ hội việc làm, tạo thu nhập nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa và có những sự điều chỉnh hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học và cả các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật.
Theo btxh.gov.vn

Gian nan công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

Những năm qua, dù đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, song công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều gian nan, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 10.000 người khuyết tật, trong đó có rất nhiều người khuyết tật còn khả năng lao động, có nhu cầu học nghề để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người khuyết tật, nạn nhân da cam học nghề như: Miễn phí đào tạo, giới thiệu việc làm, hỗ trợ ăn, ở trong quá trình học nghề. Tuy nhiên, so với nhu cầu hiện nay thì số người khuyết tật và nạn nhân da cam được học nghề còn khiêm tốn.

Không tìm được việc làm tại các cơ sở sản xuất, nhiều người khuyết tật
đã tự mở cửa hàng tại nhà riêng nhưng thu nhập không ổn định

Trung tâm trợ giúp nạn nhân da cam/Dioxin và người tàn tật tỉnh là một trong những địa chỉ đào tạo nghề tin cậy cho người khuyết tận nói chung và nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng. Ông Phạm Văn Giang, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện Trung tâm nhận được hàng trăm đơn xin học nghề từ các đối tượng, nhưng việc bố trí học nghề phù hợp với các dạng khuyết tật không đơn giản; hơn nữa, kinh phí hằng năm dành cho công tác này rất hạn hẹp. Ông cũng chia sẻ thêm, đào tạo nghề cho người khuyết tật khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với dạy nghề cho người bình thường. Người tàn tật chủ yếu được đào tạo nghề may công nghiệp, sửa chữa đồ điện gia dụng, mây, tre đan. Đối với nghề may công nghiệp, nếu như người bình thường chỉ học trong 3 tháng là thành thạo thì với người tàn tật, khóa học phải kéo dài 7 đến 9 tháng, thậm chí 12 tháng. Người khuyết tật có nhiều hạn chế như trình độ văn hóa thấp, nhận thức chậm, tàn tật tay, chân hoặc câm điếc bẩm sinh nên khó tiếp thu. Do đó, giáo viên thường phải dạy tỉ mỉ, chi tiết, sử dụng biện pháp cầm tay, uốn nắn thực hiện các thao tác theo thói quen, bám sát từng học sinh tàn tật khác nhau. Điều quan trọng hơn nữa là giáo viên cần quan sát thể lực và tâm lý của người tàn tật để kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe, có biện pháp dạy phù hợp.

Đào tạo nghề cho người khuyết tật đã khó, khâu giới thiệu việc làm cho họ cũng gặp không ít gian nan. Tỷ lệ người khuyết tật sau khi học nghề tìm kiếm một việc làm ổn định thường rất thấp. Bởi những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, nhiều cơ hội xin được việc làm thì rất ít người khuyết tật có khả năng theo học; họ thiếu các kỹ năng nghề cũng như các kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm. Đối với những ngành thủ công đơn giản, đã có nhiều người theo học thì cơ hội việc làm dành cho người khuyết tật rất thấp bởi tính cạnh tranh cao. Trong khi đó các đơn vị, doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng lao động là người khuyết tật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công ty TNHH Hồng Hà Yên Bái đóng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên là một tổ chức như thế. Không chỉ tiến hành đào tạo nghề miễn phí, công ty còn giúp người khuyết tật tìm việc làm phù hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ người khuyết tật có được việc làm các năm trước thường chỉ đạt từ 50- 60%, đến năm nay càng khó khăn hơn nữa: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội việc làm cho các em nhưng không đơn giản, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Hiện tại, chỉ có cách nhận một khâu nào đó trong dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp may mặc về cho các em làm, vừa tạo điều kiện cho các em được thực hành nhiều hơn, vừa giúp các em có thêm thu nhập. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, còn về lâu, về dài chúng tôi vẫn đang rất “bí”- bà Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Công ty nói.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật; tạo điều kiện cho các hội, nhóm và câu lạc bộ tự lực của người khuyết tật ngày càng phát triển. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, rất cần có sự đồng cảm, sẻ chia, chung tay giúp sức từ phía các đơn vị, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp. Cơ hội học nghề và việc làm cho người khuyết tật đang phụ thuộc vào cách nhìn mới, phương pháp mới và sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân người khuyết tật.
Theo vinhphuc.vn/

Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (06/01/2012)


Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật, cộng đồng dân cư có nhiều sự trợ giúp cụ thể và đắc lực cho người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trên địa bàn cả nước ta hiện có hơn 12 triệu người khuyết tật. Để trợ giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật, cộng đồng dân cư có nhiều sự trợ giúp cụ thể và đắc lực cho người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày… Nhưng để cho người khuyết tật có thể đứng vững trong cuộc sống, vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật luôn là vấn đề quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và mỗi người chúng ta.

Theo khảo sát của Bộ LĐTBXH, hiện nay trên cả nước đa số người khuyết tật có trình độ học vấn thấp, hầu hết chưa được đào tạo nghề, thiếu việc làm và lao động có thu nhập thấp nên mức sống không cao. Hiện nay, nước ta có 35,83% số người khuyết tật không biết chữ; 12,58% biết đọc, biết viết; 20,74% có trình độ trung học cơ sở; 24,13% có trình độ trung học phổ thông. Đáng chú ý là tỷ lệ người khuyết tật được học nghề mới chỉ đạt 12,1%. Mặc dù 58% số người khuyết tật đang tham gia làm việc nhưng chủ yếu là việc đơn giản, thu nhập thấp, trong đó 30% đang mong muốn có công việc ổn định. Người khuyết tật là vấn đề xã hội rất quan trọng - điều này đã được Đảng, Chính phủ khẳng định qua chủ trương, chính sách và nhiều chương trình hoạt động. Hàng năm, ngân sách nhà nước dành hàng trăm tỷ đồng kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở, hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho người khuyết tật. Cơ sở dạy nghề tăng lên cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật từng bước được xã hội hóa. Đến nay, trên địa bàn cả nước có 260 cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật ở 56 tỉnh, thành phố; trong đó 55 cơ sở chuyên biệt với 3 hình thức phổ biến là cơ sở sản xuất kinh doanh, gia đình và trung tâm dạy nghề.

Những năm qua, cùng với người khuyết tật cả nước, rất nhiều thương binh, CCB đã đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo, huy động các nguồn vốn và tận dụng mọi điều kiện có sẵn, vốn kiến thức để mở các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trang trại có quy mô lớn, trong đó có nhiều cơ sở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Thanh Hóa… đã tạo được hiệu quả kinh tế khá và công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Hiện nay, hơn 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và người khuyết tật trên cả nước đang tạo việc làm ổn định cho hơn 15.000 người khuyết tật; 65% số hộ có người khuyết tật được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đất sản xuất… Riêng Hội Người mù quản lý 146 cơ sở với khoảng 4.000 người; quản lý trên 31 tỷ đồng cho 13.000 hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2006, ngành LĐTBXH thường xuyên tổ chức hội chợ việc làm, trong đó có khu vực dành riêng cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đã nỗ lực tạo việc làm cho người khuyết tật như tổ chức VNAH (Hội Bảo trợ người tàn tật Việt Nam); USAID, BREC (Hội đồng Dải băng xanh); đặc biệt là mạng lưới hơn 100 đơn vị thúc đẩy việc làm hòa nhập cho người khuyết tật tại một số địa phương, trong đó ở Hà Nội có các đơn vị như Trung tâm sống độc lập, Vì ngày mai… đã và đang đi tiên phong trong việc tư vấn, tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc, trợ giúp hòa nhập.

Trên thực tế, tuy đã có quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng về tiếp nhận người khuyết tật vào làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng việc sử dụng người khuyết tật tại các doanh nghiệp, xí nghiệp vẫn chưa nhiều vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các đơn vị sử dụng người khuyết tật vào làm việc chủ yếu do tinh thần nhân đạo của người quản lý hay theo chương trình hợp tác dự án với các tổ chức, chưa thực sự vì nhu cầu tuyển dụng. Nhiều cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật được mở ra theo chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa gắn với việc làm trong thực tế xã hội, chủ yếu là nghề may mặc, đan lát và một số ngành nghề giản đơn khác khi nhu cầu xã hội đã bão hòa. Người khuyết tật được đào tạo xong không tìm được việc làm, dẫn đến tâm lý chán nản, bế tắc; nguồn kinh phí đưa ra cho công tác đào tạo trở thành lãng phí lớn, không sát thực tế . Vấn đề này đang rất cần được điều chỉnh kịp thời từ các cơ quan quản lý chuyên môn, cơ sở đào tạo dạy nghề cũng như từ chính người khuyết tật để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đem lại hiệu quả thiết thực cho công ăn việc làm của người khuyết tật.
Giải quyết việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa xã hội rất lớn, đó là một phần quan trọng của chiến lược xóa đói giảm nghèo - một mục tiêu lớn mà Việt Nam và quốc tế đang cùng nỗ lực phấn đấu. Cùng với các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; rất cần sự giúp đỡ thường xuyên của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước để người khuyết tật có được cơ hội làm việc và nâng cao trình độ văn hóa cũng như chuyên môn, có thu nhập ổn định. Đối với người khuyết tật, để có việc làm và thu nhập cao, bên cạnh sự hỗ trợ của các chính sách xã hội, tổ chức nhân đạo, bản thân họ cũng phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn và chủ động trong cuộc sống, đảm bảo cuộc sống bản thân và trợ giúp gia đình, để khẳng định mình là người “tàn mà không phế”. Vấn đề dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật đang là vấn đề lớn của xã hội, cần được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng và mọi người chúng ta.
Theo cuuchienbinh.com.vn/


Quảng Ngãi: Tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, theo Văn bản số 3930/LĐTBXH-TCDN của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật, Bộ yêu cầu các địa phương tuyên truyền sâu rộng các chính sách, chế độ về dạy nghề, học nghề, chính sách tạo việc làm cho người khuyết tật; tình hình tổ chức thực hiện và kết quả, hiệu quả của công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; biểu dương các điển hình trong khắc phục khó khăn, tự tin vươn lên, học nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng và tự khẳng định mình của người khuyết tật; tuyên truyền rộng rãi các chương trình dạy nghề, học nghề, việc làm để người khuyết tật có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các chính sách.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, thống kê số lượng và tình trạng dạng tật; nhu cầu học nghề và việc làm của người khuyết tật; nhu cầu tuyển dụng lao động, các vị trí việc làm phù hợp với nhu cầu và sức khỏe của người khuyết tật trong các cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương.

Bộ cũng yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá các mô hình đào tạo nghề cho người khuyết tật tại địa phương, nhân rộng mô hình có hiệu quả. Việc dạy nghề cho người khuyết tật phải linh hoạt về phương pháp tổ chức và số lượng giáo viên, phù hợp với nghề đào tạo, điều kiện, sức khỏe và nhu cầu của người khuyết tật.

Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật. Trong đó, phải dành khoảng 20% kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn được giao hàng năm để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Phấn đấu đạt được chỉ tiêu 10% trong số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là người khuyết tật. Ưu tiên cho vay vốn từ Qũy quốc gia về việc làm đối với người khuyết tật và các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật để tổ chức tạo việc làm cho người khuyết tật.

Theo Trang thông tin hỗ trợ người khuyết tật

Phát triển mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

Ngày 24/6/2013, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động- TBXH) đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ILO tổ chức hội thảo Phát triển mô hình dạy nghề gắn với vạo việc làm cho người khuyết tật. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật và Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1019/QĐ- TTg ngày 5/8/2012. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.


Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, trong những năm qua, để trợ giúp người khuyết tật, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách liên quan, đặc biệt là chính sách về dạy nghề và việc làm như Luật Lao động, Luật Người khuyết tật, Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020... Nhờ đó, bình quân hàng năm đã giải quyết việc làm cho khoảng 5.000- 6.000 đối tượng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giúp NKT ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều chính sách, quy định còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực dạy nghề và tạo việc làm. Người khuyết tật được dạy nghề và tạo việc làm chủ yếu là dựa vào sự quan tâm của các doanh nghiệp hoặc tự tìm kiếm việc làm.

Để thực hiện được mục tiêu từ nay đến 2015, phấn đấu dạy nghề và tạo việc làm cho 250.000 NKT, giai đoạn 2016-2020 là 300.000 NKT, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành chức năng cần có chính sách tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, các trường tạo điều kiện, cơ hội để NKT được học nghề hòa nhập với người bình thường, phát huy tiềm năng của các cơ sở dạy nghề, đa dạng hóa ngành nghề và cách thức thực hiện, phải có cơ chế đặt hàng đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở hội của người khuyết tật và hình thành một mạng lưới có sự tham gia của các tổ chức hội. Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức hội của người khuyết tật và các doanh nghiệp trong thời gian qua đã có những hoạt động từ thiện, nhân đạo và tổ chức được nhiều mô hình đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, Hội đã tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 15.000 đối tượng khuyết tật thông qua nhiều mô hình sinh kế. Tuy nhiên, cũng theo ông Liêu, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật là địa bàn dạy nghề, đặc điểm tâm sinh lý, vấn đề xã hội như nhận thức, rào càn và cơ chế chính sách. Ông đề nghị, để làm tốt công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT cần xác định rõ mô hình dạy nghề, quan tâm chuẩn bị những điều kiện cho NKT trước khi học nghề như học văn hóa, thay đổi nhận thức, phục hồi chức năng, phải đưa NKT vào đối tượng, mục tiêu trong các chương trình dạy nghề, việc làm hiện nay, đồng thời nên có chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật tại cộng đồng.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được chia sẻ một số mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho NKT của các tổ chức hội như: Hội chữ Thập đỏ Tây Ban Nha, Hội Vì sự phát triển của NKT tỉnh Quảng Bình, Công ty Kinh doanh tổng hợp Ân Điển (Đà Nẵng), Hội Người khuyết tật huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)... Đồng thời thảo luận xung quanh các vấn đề như khả năng áp dụng các mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT ở địa phương, hình thức dạy nghề, những điều kiện cần thiết để việc học nghề và tạo việc làm cho NKT đạt hiệu quả...
Theo bacninh.gov.vn/


Ưu tiên vốn từ quỹ quốc gia về việc làm cho người khuyết tật

Thời gian tới, cần ưu tiên cho vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm đối với người khuyết tật cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật để tổ chức tạo việc làm cho nhóm đối tượng này.

Đây là một trong những nội dung của văn bản của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về công tác thực hiện dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật.

Công văn nêu rõ, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật hiện chưa đạt được mục tiêu đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-202 đặt ra. Số lượng người khuyết tật được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm còn hạn chế. Hướng tới mục đích dạy nghề và tạo việc làm phù hợp cho 550 nghìn người khuyết tật trong độ tuổi lao động đến năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau.

Trước hết, tuyên truyền sâu rộng về Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, các chính sách, chế độ về dạy nghề, học nghề, chính sách tạo việc làm cho người khuyết tật. Cần thông tin về tình hình tổ chức thực hiện và kết quả, hiệu quả của công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Đi cùng đó là biểu dương các điển hình khắc phục khó khăn, tự tin vươn lên, học nghề, tạo việc làm, hoà nhập cộng đồng, tự khẳng định mình của người khuyết tật, tuyên truyền rộng rãi các chương trình dạy nghề, học nghề, việc làm để người khuyết tật có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các chính sách.

Cần rà soát, thống kê số lượng, tình trạng dạng tật, nhu cầu học nghề và việc làm của người khuyết tật, nhu cầu tuyển dụng lao động, các vị trí việc làm phù hợp với nhu cầu và sức khoẻ của người khuyết tật trong cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương.

Phải dành khoảng 20% kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn được giao hằng năm để tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật, phấn đấu 10% trong số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là người khuyết tật.

Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá các mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật tại địa phương, tổ chức nhân rộng mô hình có hiệu quả. Xây dựng, phê duyệt mức chi phí đào tạo cho từng nghề phù hợp với thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo đối với người khuyết tật. Tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật cần thực hiện linh hoạt về phương pháp, số lượng giáo viên, phù hơp với nghề đào tạo, điều kiện sức khoẻ, và nhu cầu của người khuyết tật

Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức tuyển người khuyết tật vào dạy nghề, tập nghề để làm việc tại doanh nghiệp. Phối hợp để các tổ chức của và vì người khuyết tật tham gia cùng dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các hoạt động tư vấn học nghề, việc làm theo khả năng của người khuyết tật cũng như trong các hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm. Cần nghiên cứu, xây dựng mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật và tổ chức hoạt động của ban vận động doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc ở địa phương.

Nước ta hiện có khoảng 6,1 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% tổng dân số từ 5 tuổi trở lên. Trong số này có gần 400 nghìn người khuyết tật nặng.
Theo vieclamdaklak.net

Gần 6.000 người khuyết tật được dạy nghề mỗi năm

Số người khuyêt tật trên cả nước là 6,7 triệu người, chiếm 8% tổng dân số. Dù có hệ thống chính sách hỗ trợ, sự hỗ trợ từ ngân sách nhưng kết quả dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật những năm qua còn rất khiêm tốn.


Theo báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2006 – 2010, tổng số người khuyết tật trên cả nước được dạy nghề là gần 30.000 người, chỉ đạt hơn 37% so với mục tiêu đề ra theo Đề án trợ giúp người tàn tật của Chính phủ. Trong số đó chỉ có hơn một nửa được tạo việc làm.

Theo ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, dù có chính sách hỗ trợ nhưng nhiều người khuyết tật vẫn không tự đảm bảo các chi phí cần thiết cho việc học nghề, tạo việc làm. Mỗi dạng tật chỉ phù hợp với một số nghề nhất định nên dạy nghề cho họ có nhiều khó khăn và chi phí cao hơn so với dạy nghề thông thường.

“Phần lớn các địa phương chưa thành lập Quỹ việc làm cho người khuyết tật, sự trợ giúp theo quy định của pháp luật với người khuyết tật và các tổ chức Hội, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật còn hạn chế”, ông Liêu cho biết.

Tính từ năm 1995 đến nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật và số lao động là người khuyết tật đã tăng gấp đôi, lần lượt là 400 cơ sở và trên 15.000 lao động. Riêng Hội người mù quản lý 146 cơ sở, thu hút khoảng 4.000 lao động. Tuy vậy, khó khăn trong việc tìm được việc làm vẫn là một thực trạng mà người khuyết tật phải đối mặt.

Ông Đào Mạnh Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh - Sinh viên, Tổng cục Dạy nghề cho biết, mục tiêu giai đoạn 2012 – 2015, sẽ có 250.000 người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm phù hợp và sẽ nâng lên 300.000 vào giai đoạn 2016 – 2020. “Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ tập trung thí điểm một số mô hình như dạy nghề theo địa chỉ, dạy nghề đáp ứng nhu cầu cá nhân người khuyết tật để có cơ hội tìm việc làm trong các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Dạy nghề theo các dự án và dự án nhỏ sẽ trở thành mô hình phổ biến hiện nay cũng như trong tương lai”, ông Thủy cho biết.
Theo baogiaothong.vn