Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Gian nan công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

Những năm qua, dù đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, song công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều gian nan, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 10.000 người khuyết tật, trong đó có rất nhiều người khuyết tật còn khả năng lao động, có nhu cầu học nghề để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người khuyết tật, nạn nhân da cam học nghề như: Miễn phí đào tạo, giới thiệu việc làm, hỗ trợ ăn, ở trong quá trình học nghề. Tuy nhiên, so với nhu cầu hiện nay thì số người khuyết tật và nạn nhân da cam được học nghề còn khiêm tốn.

Không tìm được việc làm tại các cơ sở sản xuất, nhiều người khuyết tật
đã tự mở cửa hàng tại nhà riêng nhưng thu nhập không ổn định

Trung tâm trợ giúp nạn nhân da cam/Dioxin và người tàn tật tỉnh là một trong những địa chỉ đào tạo nghề tin cậy cho người khuyết tận nói chung và nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng. Ông Phạm Văn Giang, Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện Trung tâm nhận được hàng trăm đơn xin học nghề từ các đối tượng, nhưng việc bố trí học nghề phù hợp với các dạng khuyết tật không đơn giản; hơn nữa, kinh phí hằng năm dành cho công tác này rất hạn hẹp. Ông cũng chia sẻ thêm, đào tạo nghề cho người khuyết tật khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với dạy nghề cho người bình thường. Người tàn tật chủ yếu được đào tạo nghề may công nghiệp, sửa chữa đồ điện gia dụng, mây, tre đan. Đối với nghề may công nghiệp, nếu như người bình thường chỉ học trong 3 tháng là thành thạo thì với người tàn tật, khóa học phải kéo dài 7 đến 9 tháng, thậm chí 12 tháng. Người khuyết tật có nhiều hạn chế như trình độ văn hóa thấp, nhận thức chậm, tàn tật tay, chân hoặc câm điếc bẩm sinh nên khó tiếp thu. Do đó, giáo viên thường phải dạy tỉ mỉ, chi tiết, sử dụng biện pháp cầm tay, uốn nắn thực hiện các thao tác theo thói quen, bám sát từng học sinh tàn tật khác nhau. Điều quan trọng hơn nữa là giáo viên cần quan sát thể lực và tâm lý của người tàn tật để kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe, có biện pháp dạy phù hợp.

Đào tạo nghề cho người khuyết tật đã khó, khâu giới thiệu việc làm cho họ cũng gặp không ít gian nan. Tỷ lệ người khuyết tật sau khi học nghề tìm kiếm một việc làm ổn định thường rất thấp. Bởi những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, nhiều cơ hội xin được việc làm thì rất ít người khuyết tật có khả năng theo học; họ thiếu các kỹ năng nghề cũng như các kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm. Đối với những ngành thủ công đơn giản, đã có nhiều người theo học thì cơ hội việc làm dành cho người khuyết tật rất thấp bởi tính cạnh tranh cao. Trong khi đó các đơn vị, doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng lao động là người khuyết tật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Công ty TNHH Hồng Hà Yên Bái đóng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên là một tổ chức như thế. Không chỉ tiến hành đào tạo nghề miễn phí, công ty còn giúp người khuyết tật tìm việc làm phù hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ người khuyết tật có được việc làm các năm trước thường chỉ đạt từ 50- 60%, đến năm nay càng khó khăn hơn nữa: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội việc làm cho các em nhưng không đơn giản, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay. Hiện tại, chỉ có cách nhận một khâu nào đó trong dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp may mặc về cho các em làm, vừa tạo điều kiện cho các em được thực hành nhiều hơn, vừa giúp các em có thêm thu nhập. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, còn về lâu, về dài chúng tôi vẫn đang rất “bí”- bà Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Công ty nói.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật; tạo điều kiện cho các hội, nhóm và câu lạc bộ tự lực của người khuyết tật ngày càng phát triển. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, rất cần có sự đồng cảm, sẻ chia, chung tay giúp sức từ phía các đơn vị, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp. Cơ hội học nghề và việc làm cho người khuyết tật đang phụ thuộc vào cách nhìn mới, phương pháp mới và sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân người khuyết tật.
Theo vinhphuc.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét