Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Hà Nội: Chú trọng dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật

Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật (NKT) trên địa bàn TP. Hà Nội đã đạt nhiều kết quả khả quan, giúp NKT tự nuôi sống bản thân, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Phó Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội Trịnh Xuân Dũng cho biết: Hội NKT TP.Hà Nội hiện có gần 9000 hội viên. Thời gian qua, để giúp NKT hòa nhập với cộng đồng và có động lực vươn lên trong cuộc sống, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật được Hội NKT TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. 

Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng của người khuyết tật - Ảnh: Hoàng Mẫn

Với nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, phù hợp với từng dạng khuyết tật, Hội NKT TP. Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thành công nhiều buổi tọa đàm với mục tiêu tạo mô hình việc làm cho NKT. Đến nay, Hội đã tổ chức 10 chương trình tọa đàm “Kinh doanh nhỏ - Thành công lớn” tại 10 địa điểm cho 27 hội quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà nội với sự tham dự của hơn 300 NKT. Thông qua các chương trình này, tạo điều kiện để NKT trao đổi kinh nghiệm trong thực tế sản xuất kinh doanh và việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, các Hội NKT cấp quận, huyện còn chủ động phối hợp với Trung tâm dạy nghề và các doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật tại địa phương. Điển hình như Hội NKT huyện Phú Xuyên phối hợp với Công ty TNHH Hồng Hà tổ chức dạy nghề may công nghiệp cho 35 NKT trong thời gian 5 tháng, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ UBND thành phố. Hội NKT Hoài Đức và Công ty TNHH Hoài Đức tổ chức lớp dạy nghề may công nghiệp cho 15 NKT tại huyện. Hội NKT huyện Ứng Hòa mở lớp dạy nghề mây tre đan cho 35 hội viên…
Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, nhằm thúc đẩy quyền lao động và có việc làm của NKT bằng việc hỗ trợ NKT vay vốn, Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội TP. Hà Nội và Ngân hàng chính sách các quận/huyện thực hiện chương trình cho vay vốn đối với hộ gia đình có NKT. Tính đến hết năm 2014, số hội viên NKT, hộ gia đình có NKT của các hội quận, huyện được vay vốn giải quyết việc làm thông qua ngân hàng chính sách xã hội là 1.235 người, với tổng số tiền là 24 tỷ 304 triệu đồng.
Mặt khác, tạo điều kiện cho NKT tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm và các quy định Hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT. Hội NKT TP. Hà Nội đã tổ chức chương trình Hướng dẫn quy trình đề nghị cấp quyết định công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT sử dụng từ 30% trở lên tổng số lao động là NKT và hướng dẫn thủ tục đăng ký xin giấy phép kinh doanh, phổ biến quy trình và chính sách Hỗ trợ vốn vay đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT.

Những sản phẩm do người khuyết tật làm ra còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ- Ảnh: Hoàng Mẫn

Nhờ sự nỗ lực của Hội và các tổ chức thành viên, hiện Hà Nội có 15 cơ sở được công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh với trên 30% lao động là NKT. Nhiều cơ sở tại các quận, huyện mong muốn trở thành cơ sở sản xuất kinh doanh có tư cách pháp nhân, và có đăng ký giấy phép kinh doanh.
Thông qua việc hỗ trợ vay vốn và các phiên giao dịch việc làm cho NKT đã thu lại kết quả khả quan. Theo thống kê gần đây nhất của Trung Tâm là có 171 NKT đã có việc làm, trong đó có 58 NKT tự tìm kiếm việc làm cho mình, tập trung chủ yếu vào các nghề như: May, CNTT, nhân viên văn phòng, kế toán, phiên dịch, trực tổng đài, lao động phổ thông, nhân viên tại thẩm mỹ viện, bán hàng, nghề thủ công mỹ nghệ… Điều này sẽ giúp người khuyết tật trên địa bàn Hà nội có việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Ông Trịnh Xuân Dũng cho rằng: rào cản lớn khi đi tìm việc đối với những NKT có trình độ là hạ tầng kỹ thuật đều chưa phù hợp khiến NKT đi lại khó khăn. Còn với nhiều NKT có thể làm việc giản đơn thì chưa được đào tạo nghề và tìm việc phù hợp. Hà Nội có 90.000 người khuyết tật nhưng phần lớn vẫn sống phụ thuộc vào gia đình. Hiện có khoảng 30% người khuyết tật tại Hà Nội đang có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm để hòa nhập với xã hội.

Có thể thấy, tuy việc đào tạo nghề cho người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, song nếu được các cấp, các ngành và cá nhân quan tâm giúp đỡ bằng vật chất cũng như tinh thần nhằm góp phần giúp họ cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện cho người khuyết tật vượt qua nỗi bất hạnh để vững bước hòa nhập cộng đồng thì họ có thể thực hiện ước mơ, được sống, được làm việc và cống hiến vào sự phát triển chung của đất nước./.
Theo dangcongsan.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét