Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Vẫn "treo" bài toán việc làm cho người khuyết tật

Tính chung cả nước, có khoảng 6 triệu người khuyết tật, trong khi đó, chỉ có khoảng gần 2,5 triệu người khuyết tật có việc làm, số còn lại phải sống dựa vào gia đình. 

Người khuyết tật khó tìm được việc sau khi học nghề - Ảnh IT

Gian truân tìm việc
Tại TP.HCM, việc đào tạo nghề cho người khuyết tật được chú trọng, nhưng khó khăn là ở đầu ra.
Với mức trợ cấp 240.000 đồng/tháng cho người khuyết tật không đủ để họ trang trải cuộc sống. Đa số những người khuyết tật đã từng đi xin việc, doanh nghiệp rất ngại giao việc cho người khuyết tật. Họ thường lấy lý do quỹ lương không có, không có các điều kiện cho người tàn tật, nhất là người khiếm thính, làm việc. Nếu may mắn xin được việc thì cũng không thể làm lâu dài, chỉ cần làm sai là bị đuổi việc ngay.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Lê cho biết: “Thấy ngoài cửa treo bảng tuyển lao động vậy đó. Nhưng khi bước vào thì không kể là gặp giám đốc hay nhân viên, họ đều nói, đã tuyển đủ người rồi. Người khuyết tật như chúng tôi kiếm việc rất khó. Kiến nghị Nhà nước quan tâm nhiều hơn giải quyết việc làm cho chúng tôi”.

Theo chị Nguyễn Thị Hằng, “Nhà nước có ưu tiên giảm thuế cho các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Nhưng theo tôi tìm hiểu thì các thủ tục xin giảm thuế rất phức tạp nên doanh nghiệp cũng không mặn mà”.

Ngay cả khi đã kiếm được việc làm lâu dài, thì người khuyết tật vẫn còn nhiều trăn trở, bị hạn chế mức lương và không thể an tâm với công việc. Anh Phan Nhật Trung đang làm cán bộ tin học tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM cho rằng, người khuyết tật vẫn chưa hòa nhập được trong công việc như người bình thường. Bằng chứng là một nhóm người khuyết tật được nhận vào làm cán bộ tin học tại 10 phường thuộc quận 1 đến nay chỉ còn lại mình anh Trung làm việc.

“Cán bộ tin học không phải là vị trí được trả lương mà là lương khoán việc. Trong khi lương tối thiểu đã tăng từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng từ năm 2007 đến nay thì mức lương của tôi vẫn đứng yên. Nhà nước có hỗ trợ cho cán bộ công chức bậc lương dưới 3.0 nhưng tôi cũng không được hỗ trợ. Trong khi đó, lương tôi đang được hưởng là từ ngân sách ít ỏi của phường. Đồng nghĩa với việc chia lợi ích của các anh em, điều này làm tôi thấy rất bất an”, anh Trung chia sẻ.

Anh Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội thanh niên khuyết tật TP.HCM cho rằng, chất lượng đào tạo của các trung tâm đào tạo việc làm cho người khuyết tật quá kém. Các doanh nghiệp sau khi tuyển dụng hầu hết phải đào tạo lại. Đó chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp ngại thu nhận người lao động khuyết tật. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không coi trọng bằng cấp của người khuyết tật được đào tạo tại các trung tâm. Thành ra, loại giấy này chỉ dùng để… lưu hành nội bộ.

Một học viên đang học tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM cho biết, các môn học, thiết bị thực hành của hầu hết các trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật hiện đang rất thiếu và lạc hậu. Như tại trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM, các học viên đang được học với các thiết bị điện đã có từ năm 1980 mà ngày nay không còn dùng đến.

“Chẳng hạn như máy biến áp chúng tôi đang học là loại đã có từ năm 1980, ngày nay người ta đã thay bằng việc dùng ổn áp. Còn ở ngành học sửa chữa xe, cũng chưa có đầy đủ giáo trình và thiết bị thực tập”, học viên này cho biết. 

Chưa được vay vốn như quy định

Trong khi xin việc khó khăn, nhiều người khuyết tật có khả năng tạo lập công việc cho mình thì lại thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh và gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý.

Học viên được dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt xong rồi để đó Ảnh minh họa 

Ông Trần Kỷ, Chủ tịch Hội người mù quận Gò Vấp cho biết, tại TP.HCM hiện có khoảng 500 người mù đã được đào tạo nghề xoa bóp, bấm huyệt giống như mô hình đào tạo việc làm cho người mù ở Nhật. Nhưng học xong rồi để đó, khó xin được việc ở các tiệm massage. Mặt khác, người mù muốn mở tiệm kinh doanh dịch vụ xoa bóp, bấm huyệt tại các địa phương thì các cơ quan chức năng lại ngăn cản.

“Xoa bóp, xông hơi hay bấm huyệt thì đơn giản lắm, chúng tôi đã được học qua rồi, nhưng họ lại sợ chúng tôi làm chết người. Tự đứng ra làm chủ là không được, mà phải mời một vị y sĩ đông y đứng tên trên giấy phép. Cứ thế, mỗi tháng trả cho vị này tối thiểu 2 – 3 triệu đồng trong khi chẳng phải làm gì cả. Mà tìm được vị này đồng ý đứng tên rồi thì thủ tục xin giấy phép cũng không hề đơn giản”, ông Kỷ than thở.

Anh Nguyễn Đức Quyền cho biết: “Học nghề xong rồi xin thì không ai nhận mà muốn mở tiệm kinh doanh riêng cũng khó vì không có vốn. Tôi biết theo quy định có cho người khuyết tật vay vốn sản xuất và kinh doanh nhưng chúng tôi không tiếp cận được nguồn này. Đến ngân hàng chính sách xã hội thì toàn đòi hỏi thế chấp. Người khuyết tật chỉ có cái xe lăn thì lấy gì mà thế chấp đây”.

Ông Trần Kỷ cho hay: “Ở Hội người mù quận Gò Vấp có cho vay vốn sản xuất, kinh doanh. Vay đợt 1 là 5 triệu đồng, đợt 2 là 10 triệu đồng. Số tiền này không đủ để làm gì cả. Nhà nước cần phải tạo điều kiện cho người khuyết tật trong việc vay vốn, tự tạo công việc. Nên dành thời gian xem xét mô hình kinh doanh của người khuyết tật, từ đó hỗ trợ vốn vay”.

Ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, mỗi năm TP.HCM đào tạo việc làm cho khoảng 2.000 người khuyết tật. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật là một vấn đề rất khó khăn. Thành phố đã khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động khuyết tật bằng chính sách. Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận từ 30% lao động khuyết tật trở lên sẽ được hỗ trợ giảm thuế.
Về việc hỗ trợ vốn cho người khuyết tật tự tạo lập công việc, ông Sang cho biết, hai nguồn vốn dễ tiếp cận nhất là quỹ quốc về việc làm, hỗ trợ cho người khuyết tật tự tạo việc làm và hộ nghèo, nếu người tàn tật thuộc diện hộ nghèo.

Ngoài ra còn có nguồn vốn vay từ Hội phụ nữ, Hội người mù. Ban giảm nghèo ở cấp phường, xã sẽ chịu trách nhiệm giải thích, hướng dẫn người khuyết tật tiếp cận các nguồn vốn này.
Theo infonet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét