Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Người khuyết tật còn thiệt thòi


Thiếu tay nghề cộng với tâm lý ngại tuyển dụng của các doanh nghiệp đã khiến người khuyết tật khó tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp
Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM nhưng hơn 1 năm qua, Nguyễn Hoài Tú (quê Bến Tre) vẫn chưa tìm được việc làm. Do bị liệt 2 chân từ nhỏ nên Tú không may mắn có được việc làm như các bạn cùng trang lứa. “Trước đây, có công ty nhận vào làm việc nhưng do sức khỏe yếu nên tôi không cạnh tranh lại đồng nghiệp. Ngoài ra, khi giao việc, lãnh đạo công ty luôn đắn đo vì sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi” - Tú kể.

Khó có việc làm
Dễ dàng nhận thấy tại các sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp trên địa bàn TP HCM luôn thiếu sự góp mặt của lao động khuyết tật. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) hầu như không có nhu cầu tuyển dụng đối tượng này hoặc rao tuyển với số lượng rất ít. Ghi nhận tại Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM, trong 9 tháng đầu năm 2014 đã tư vấn việc làm cho 1.473 người khuyết tật (NKT), trong đó có 300 người có việc làm ổn định. Bà Nguyễn Thị Nhung, phó giám đốc trung tâm, cho biết: “Tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho NKT nhưng DN vẫn ngại tuyển dụng đối tượng này. Giúp NKT có việc làm, chúng tôi phải chủ động đưa thông tin ứng viên đến từng DN trong các phiên giao dịch để họ có cơ hội kết nối cùng DN”.

Người khuyết tật làm việc tại xưởng lao động hòa nhập của Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM

Đồng hành cùng nhiều chương trình thúc đẩy việc làm cho người khuyết tật của các tổ chức trong và ngoài nước, bà Huỳnh Ngọc Bích, phụ trách bộ phận hỗ trợ việc làm của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), cũng thừa nhận số lượng NKT ứng tuyển cũng như DN rao tuyển lao động khuyết tật tại các sàn giao dịch, hoạt động nghề nghiệp tại TP là rất ít. Nhiều DN đã đến DRD đưa nhu cầu tuyển NKT và trong quá trình thử việc, do không được giao công việc phù hợp nên nhiều NKT không theo kịp tốc độ làm việc của đồng nghiệp, dẫn đến bỏ việc giữa chừng.

Thu nhập bấp bênh
Hiện Việt Nam có 6,7 triệu NKT, chiếm khoảng 8% dân số, trong đó 20% bị đa tàn tật (vừa câm vừa điếc hoặc bị khiếm khuyết cả về vận động, thị giác, trí tuệ...). Thế nhưng, chỉ gần 6% NKT học hết THPT, hơn 20% có trình độ THCS. Riêng khảo sát về đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Việt Nam do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy 93,5% NKT không có trình độ chuyên môn và chỉ 6,5% NKT có chứng chỉ đào tạo nghề. Không có tay nghề cộng với hoạt động xúc tiến việc làm dành cho NKT còn hạn chế nên cơ hội việc làm đối với NKT ngày càng bó hẹp.

Không chỉ thiếu cơ hội ráp nối với DN, lao động khuyết tật còn chịu nhiều thiệt thòi khi họ chưa thực sự với tới các chính sách việc làm. Theo bà Huỳnh Ngọc Bích, hiện cả nước có 70% NKT đang trong độ tuổi lao động nhưng chỉ 30% trong số đó có thu nhập ổn định. Điều này cho thấy NKT vẫn còn nằm ngoài hệ thống việc làm, dễ lâm vào tình cảnh đói nghèo.
Bà Võ Kim Hương, chủ cơ sở Thiện Tâm Hương, thừa nhận do thiệt thòi về tâm sinh lý, sức khỏe, ngoại hình... nên NKT khó hòa nhập với thị trường lao động. Khi tuyển lao động khuyết tật, DN phải bỏ công sức và thời gian dài đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ. Vì vậy, nhiều DN có tâm lý e ngại ứng viên khuyết tật. “Nếu được giao công việc phù hợp với bản thân, NKT có thừa khả năng làm tốt. Hơn 20 nhân viên khuyết tật ở cơ sở của tôi làm việc không thua gì người bình thường” - bà Hương khẳng định.
Theo nld.com.vn/

Cần có chính sách đặc thù dạy nghề cho người khuyết tật


Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ mồ côi (NKT-TMC) là một trong sáu chương trình trọng tâm của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT-TMC) Việt Nam trong hai nhiệm kỳ (2007 - 2012 và 2012 - 2017). Để giúp NKT-TMC cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội tốt hơn, đối tượng xã hội đặc thù này rất cần một chính sách dạy nghề phù hợp. 
Trong tám năm qua, Hội được Nhà nước quan tâm cấp gần 15 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia để dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Hội Bảo trợ NTT-TMC Việt Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm dạy nghề, tạo việc làm cho NKT tại các đơn vị ngoài công lập, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm dạy nghề, tạo việc làm của các hội NTT-TMC tỉnh, thành phố. Đã ra đời nhiều trung tâm dạy nghề tư nhân theo hình thức truyền nghề, vừa học, vừa làm; đến nay, 5.458 NKT-TMC đã được dạy nghề, trong đó số người có việc làm là 4.393 người. Các nghề đào tạo chủ yếu là nghề may, làm hương và chổi đót, với thời gian học từ hai tháng đến bốn tháng.

Tại các đơn vị ngoài công lập, chỉ với tinh thần trợ giúp NKT vươn lên, hòa nhập cộng đồng, các tỉnh, thành hội mới củng cố được quyết tâm sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện nghiêm túc việc xây dựng mô hình thí điểm. Nhiều tỉnh, thành hội và đơn vị dạy nghề đã tìm mọi cách đóng góp, hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án. Một số đơn vị chuẩn bị chu đáo giải quyết việc làm cho NKT trong quá trình dạy nghề và ngay sau khi kết thúc lớp học. Việc mở sổ sách theo dõi lớp, danh sách học viên, các mẫu biểu, cơ bản được thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, rào cản trước hết đến từ chính gia đình NKT. Bố mẹ, anh em còn chưa tin họ có thể tự làm, tự nuôi sống bản thân. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, vận động tuyển sinh rất vất vả, trong khi kinh phí hỗ trợ tuyển sinh quá thấp. Đến được lớp, nhưng bộn bề khó khăn tiếp tục bủa vây NKT. Học viên có trình độ văn hóa chênh lệch, nhiều em không biết chữ. NKT ở nhiều dạng tật nguyền cùng học một nghề hiệu quả thế nào cũng là chuyện. Đơn vị tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật không có giáo trình thống nhất. Giáo trình của Tổng cục Dạy nghề quy định, thời gian học nghề trình độ sơ cấp phải ba tháng trở lên (với đối tượng "cầm tay chỉ việc" là người bình thường thì thời gian phải dưới ba tháng), đối với NKT là không hợp lý bởi họ phải cần nhiều hơn thời gian thực hành.

Rõ ràng, chính sách đó là cho số đông người bình thường chứ chưa quan tâm tới NKT. Luật NKT đã ghi rõ các chế độ hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc. Một số doanh nghiệp trong nước, liên doanh đã nhận NKT vào làm việc, bởi cảm phục nỗ lực từ NKT, bởi họ sống tự tin, hòa nhập và rất chăm chỉ nâng cao tay nghề. Nhưng không ít doanh nghiệp vẫn không mặn mà nhận NKT. Nào là vì sức khỏe không bảo đảm, nghỉ ốm nhiều. Nào là thời gian làm việc của NKT khác người lao động bình thường, thay đổi, luân chuyển các nhiệm vụ trong dây chuyền mất nhiều thời gian bố trí...
Để thời gian học và thực hành sát nhu cầu, tâm lý, sức khỏe của NKT-TMC, Tổng cục Dạy nghề cần biên soạn thống nhất chương trình, giáo trình khung dành riêng cho NKT. Thời gian học nghề tại các đơn vị có tổ chức dạy nghề cho NKT với phương thức "cầm tay chỉ việc", theo các chuyên gia phải ít nhất là bốn tháng. Giảm bớt thủ tục hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu theo Quyết định số 62/2008 cho phù hợp với NKT học nghề hoặc nghiên cứu biểu mẫu riêng hợp lý. Chỉnh sửa, bổ sung chính sách đãi ngộ phù hợp với các giáo viên dạy nghề, truyền nghề cho NKT, để khuyến khích, giữ chân những giáo viên có tâm huyết. Xã hội hóa mạnh mẽ hơn những dịch vụ xã hội mà Nhà nước không thể "ôm" xuể và cũng không đủ lực với tới trong việc giúp đỡ, chăm sóc NKT.
Theo nhandan.com.vn

Đào tạo nghề cho người khuyết tật: Cần hơn nữa sự quan tâm

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 24.000 người khuyết tật. Trong số này chỉ có khoảng 30% có hoạt động tạo thu nhập cho bản thân. Vì thế, vấn đề đào tạo nghề cho người khuyết tật trong thời gian qua đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm...
Trong 3 năm qua, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 290 người khuyết tật. Trong đó, năm 2010 là 91 người, năm 2011 là 164 người, năm 2012 là 45 người. Anh Đỗ Tuấn Đạt, cán bộ Phòng Dạy nghề, Sở LĐ,TB&XH cho biết, mỗi khoá học có thời gian khoảng 3 tháng. Tham gia các lớp học này, người khuyết tật không chỉ được miễn phí tiền học mà còn được hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày/người và tiền đi lại, 200.000 đồng/người/khoá.

Đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Công ty TNHH May Ngọc Bích (TP Hạ Long).

Qua tìm hiểu, được biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khá nhiều cơ sở nhỏ, lẻ đào tạo nghề cho người khuyết tật; trong đó, 5 cơ sở dạy nghề được đánh giá là có uy tín và đã triển khai rất tích cực từ nhiều năm nay. Đó là Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật tỉnh, Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề (thuộc LĐLĐ tỉnh), Công ty CP Mai Hoàng, Công ty CP May Quảng Ninh và Công ty TNHH May Ngọc Bích. Ngoài các lớp dạy nghề do tỉnh hỗ trợ chi phí, những đơn vị này cũng tự mở các lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật. Đơn cử như Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật tỉnh, trong năm 2012 đã đào tạo nghề cho 28 người khuyết tật trên địa bàn TP Cẩm Phả. Trong năm 2013 này, Trung tâm đã lên kế hoạch đề xuất đào tạo 25 người khuyết tật tại huyện Vân Đồn.
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề đào tạo nghề cho người khuyết tật mà tỉnh đang thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điển hình là việc huy động người học tham gia các lớp đào tạo nghề của tỉnh còn rất hạn chế.

Ông Đặng Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người tàn tật tỉnh cho biết: “Người khuyết tật không như những đối tượng khác. Với những người khuyết tật vận động, họ rất khó khăn trong việc đi lại. Ngay như cả với những người khuyết tật nghe, nhìn thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc học. Đó còn chưa kể đến gánh nặng về tâm lý. Đa phần họ vẫn bị mặc cảm và chưa tự tin khi học nghề”.
Cũng theo ông Ngọc, từ năm 2012, chi phí giám định cho đối tượng người khuyết tật đi học tăng cao, thế nhưng khoản này không có trong chi phí hỗ trợ của tỉnh. Vì thế, người khuyết tật cũng chẳng mấy mặn mà với việc học nghề, dù trước mỗi khoá học, cán bộ Trung tâm dành khá nhiều thời gian, xuống tận địa phương, từng xã, phường để xác định và nắm bắt nhu cầu; đồng thời, phổ biến chính sách tới tận từng hộ dân có người khuyết tật, làm công tác tư tưởng để vận động những người khuyết tật còn khả năng lao động.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2012 đã có những thay đổi phù hợp với đối tượng là người khuyết tật hơn. Nhờ được xét chung trong nhóm đối tượng được ưu tiên, người khuyết tật được tham gia các lớp học nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện bản thân. Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề nếu có khả năng mở lớp riêng thì vẫn có thể tận dụng kinh phí từ Quỹ giải quyết việc làm cho người tàn tật của tỉnh. Ông Ngọc cho biết thêm: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện để những đối tượng tham gia các lớp học nghề này sau khi hoàn thành khoá học làm việc tại Trung tâm”. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm cho người khuyết tật cũng được Sở LĐ,TB&XH đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức tuyên truyền, tư vấn phong phú đa dạng, phù hợp với điều kiện và trình độ nhận thức của người khuyết tật.

Có thể khẳng định, đào tạo nghề cho người khuyết tật là việc làm vô cùng cần thiết, mở ra hy vọng về một cuộc sống ổn định cho người khuyết tật. Với những khó khăn như đã nói, thực tế, vẫn còn rất nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh dù rất muốn nhưng không thể tham gia các lớp dạy nghề trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thiết nghĩ, tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa và có những sự điều chỉnh hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn và người học, cả các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật.

Theo baoquangninh.com.vn

Giúp người khuyết tật thêm niềm tin, bản lĩnh, nghị lực

Sáng 18/4, tại Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội, Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội, Hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ IV năm 2015”.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại ngày hội.

Các đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn, Nguyễn Ngọc Việt, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội, Bùi Tuấn Ngọc, Phó Trưởng ban dân vận Thành ủy Hà Nội cùng dự chương trình.
Ngày hội được tổ chức với nhiều nội dung: Tổ chức đăng ký học nghề miễn phí ngắn hạn cho 300 người khuyết tật (thời gian từ 10 ngày đến 3 tháng) theo Quyết định 1019/QĐ - TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020”; Tuyển dụng, tuyển sinh học nghề cho 400 - 500 người khuyết tật với sự tham gia của 25 - 30 doanh nghiệp; Tư vấn sức khỏe miễn phí cho người khuyết tật; Quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm các cơ sở sản xuất của người khuyết tật; Tọa đàm mô hình doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật.

Lãnh đạo Trung ương Đoàn, Thành đoàn trao tặng bằng khen cho các doanh nghiệp, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Tại Ngày hội, Ban tổ chức tặng Cờ lưu niệm tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tham gia. Dịp này, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam TP. Hà Nội tặng 6 bằng khen tới các doanh nghiệp, 10 bằng khen cho cá nhân có thành tích trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. 

Trong khuôn khổ ngày hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Trung ương Đoàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội kí kết chương trình phối hợp dạy nghề miễn phí 250 người khuyết tật (mỗi suất trị giá 4 triệu đồng).

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội: Ngày hội việc làm cho người khuyết tật là một hoạt động thường niên của Thành đoàn, Hội LHTN thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội và Hội Người khuyết tật Hà Nội, Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội phối hợp tổ chức. Chương trình thể hiện sự quan tâm trách nhiệm, tình cảm của tổ chức Đoàn - Hội dành cho người khuyết tật trong việc đào tạo, dạy nghề, tư vấn, tuyển dụng lao động.

"Thông qua hoạt động, Hội mong muốn giúp người khuyết tật tự tin và không ngừng phấn đấu, trở thành những tấm gương sáng trên nhiều lĩnh vực; sống tự tin, bản lĩnh, nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống và vươn lên hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, Ngày hội là dịp biểu dương những tấm gương sáng luôn vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, để giáo dục cho đoàn viên thanh niên cùng chung tay vì một xã hội phát triển".

Trung tâm Dịch vụ việc làm TW Đoàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội kí kết chương trình phối hợp dạy nghề miễn phí cho 250 người khuyết tật.

Các y, bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ thành phố tư vấn sức khỏe miễn phí cho người khuyết tật.
Theo tuoitrethudo.vn

Nhiều địa phương chưa ban hành định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyến tật


Bộ Tài chính vừa gửi văn bản, đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Tại văn bản này, Bộ Tài chính cho biết đã cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020.

Trong đó, quy định UBND cấp tỉnh phê duyệt mức chi phí đào tạo cho từng nghề trong danh mục nghề đào tạo phù hợp với chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, đặc thù của người khuyết tật và điều kiện thực tế của địa phương.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, xét duyệt quyết toán kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho người khuyết tật từ nguồn kinh phí bố trí trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề, hầu hết các địa phương chưa ban hành Quyết định phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT- BTC-BLĐTBXH.
Để có căn cứ thực hiện hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người khuyết tật, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt mức chi phí đào tạo cho từng nghề trong danh mục nghề đào tạo phù hợp với chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, đặc thù của người khuyết tật và điều kiện thực tế của địa phương.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án trợ giúp cho người khuyết tật tại địa phương và báo cáo tình hình thực hiện hàng năm trên địa bàn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Trà Vinh: "Đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật"

Thực hiện Công văn số 3930/LĐTBXH-TCDN, ngày 21/10/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Công văn số 3530/UBND-VX ngày 31/10/2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc triển khai thực hiện công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Ủy ban nhân dân huyện vừa ban hành văn bản giao Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện theo Công văn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và công văn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh.
Theo đó, các ngành chức năng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng các hình thức phù hợp về Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của Người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, các chính sách, chế độ về dạy nghề, học nghề; chính sách tạo việc làm cho người khuyết tật; tình hình tổ chức thực hiện và kết quả, hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật; biểu dương các điển hình trong khắc phục khó khăn, học nghề, tạo việc làm, sống tự tin, hòa nhập cộng đồng và tự khẳng định mình của người khuyết tật; tuyên truyền rộng rãi các chương trình dạy nghề, học nghề, việc làm để người khuyết tật có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các chính sách.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, thống kê số lượng và tình trạng dạng tật, nhu cầu học nghề và việc làm của người khuyết tật; nhu cầu tuyển dụng lao động, các vị trí việc làm phù hợp với nhu cầu và sức khỏe của người khuyết tật trong các cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương.

Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Trong đó, phải dành khoảng 20% kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn được giao hàng năm để tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật. Phấn đấu đạt được chỉ tiêu 10% trong số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là người khuyết tật….
Theo travinh.gov.vn

Bình định: "Chia sẻ yêu thương..."

Hôm nay (18.4) là Ngày Người khuyết tật Việt Nam. Đây là quy định tiến bộ trong luật pháp nước ta nhằm bảo vệ và giúp đỡ người khuyết tật, được Nhà nước ta đã thể chế hóa trong Luật Người khuyết tật có hiệu lực từ ngày 1.1.2011. Cụ thể, tại Điều 11 của luật này quy định cụ thể “Ngày 18.4 hàng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam”.

Trong nhiều năm qua, việc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây là chỗ dựa hết sức quan trọng để cộng đồng người khuyết tật có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế, xã hội như mọi người bình thường; đặc biệt là có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội ổn định.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật đã vận dụng tốt phương châm xã hội hóa. Theo đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhiệt tình ủng hộ tiền, hàng hóa, công lao động, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật. Hàng nghìn lượt người khuyết tật đã được trợ cấp khó khăn, được khám chữa bệnh miễn phí, được tặng xe lăn để vượt qua khó khăn, có điều kiện thuận lợi hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Được sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, nhiều người khuyết tật đã có điều kiện có nghề nghiệp, có việc làm để sinh sống, không ít người xây dựng được cuộc sống hạnh phúc như người bình thường.

Tuy nhiên, dù cuộc sống của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, việc dạy văn hóa, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Vấn đề mấu chốt giúp người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng là tạo việc làm cho họ, nhưng hiện nay tỉ lệ người khuyết tật thất nghiệp vẫn còn cao. Nhiều người khuyết tật còn khả năng lao động, bằng nghị lực đã vươn lên, mong muốn tìm được việc làm phù hợp để không là gánh nặng của gia đình và xã hội nhưng cũng khó có việc làm ổn định… Đây là những rào cản làm hạn chế khả năng cũng như sự hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật.

Để giúp người khuyết tật vững vàng vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập tốt với cộng đồng, bên cạnh sự hỗ trợ mang tính từ thiện nhân đạo ngắn hạn, tức thì cần có sự hỗ trợ căn bản và dài hơi hơn như: hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật; đào tạo, hướng dẫn cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin; phát hiện và can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng; trợ giúp xã hội và pháp lý giúp người khuyết tật tiếp cận các vấn đề về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, sử dụng các công trình xây dựng và tham gia giao thông công cộng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí… đây là các yếu tố cơ bản để người khuyết tật có thêm những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống.

Vì vậy, Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm nay là dịp để chúng ta nhìn lại công tác chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, thấy rõ mặt làm được và những việc chưa làm được, từ đó ý thức hơn về trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật. Đặc biệt, nhân dịp này chúng ta tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, cùng chia sẻ yêu thương, chăm sóc và giúp đỡ nhiều hơn để người khuyết tật ngày càng vững vàng, sống tự tin hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Theo baobinhdinh.com.vn

Việc làm cho người khuyết tật và kiến nghị hoàn thiện chính sách

Đào tạo và việc làm cho người khuyết tật (NKT) là lĩnh vực ưu tiên thứ 4 của khuôn khổ hành động thiên niên kỷ Biwako. Trong 7 lĩnh vự ưu tiên, UNESCAP khuyến khích 2 lĩnh vực quan trọng nhất để đảm bảo sự bình đẳng và hòa nhập của NLT, đó là giáo dục và việc làm. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010, đến nay, qua gần 4 năm thực hiện, nhưng  nhiều chỉ tiêu có khả năng không hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu về việc làm cho người khuyết tật: "khoảng 80 nghìn người tàn tật được học nghề và tạo việc làm phù hợp tại các cơ sở dạy nghề, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn cả nước". Vì vậy, cần phải nhìn nhận lại thực trạng, nguyên nhân và tìm giải pháp phù hợp. Hơn nữa, cùng với sự quan tâm, hổ trợ của Nhà nước và cộng đồng, bản thân NKT đã có nhiều cố gắng vươn lên, khẳng định khả năng của mình trên mọi lĩnh vực. NKT là một lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội và đòi hỏi phải được bảo vệ bằng luật pháp để đảm bảo quyền bình đẳng tham gia vào hoạt động của xã hội, trong đó có quyền bình đẳng về việc làm bền vững.

Ngày 22 -23/9 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Dự án DANIA (Đan Mạch) đã phối hợp tổ chức Hội thảo ''Pháp luật và chính sách về việc làm". Mục tiêu hội thảo là tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các nhà Khoa học, những người hoạt động thực tiển trao đổi, thảo luận qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam về việc làm và những vấn đề đặt ra; kinh nghiệm quốc tế về chính sách, pháp luật về việc làm. Đồng thời kiến nghị về việc xây dựng Luật việc làm và sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động. Tại Hội thảo, TS.Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội Bảo trợ và trẻ mồ côi Việt Nam đã có bài tham luận "Việc làm cho người khuyết tật và kiến nghị hoàn thiện chính sách" Tạp chí Người Bảo trợ xin giới thiệu một số nội dung bài tham luận này.

MỘT SỐ NÉT VỀ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT Ở VIỆT NAM

* Tỷ lệ NKT có việc làm rất thấp
Trong số 5.3 triệu NKT thì có 60% trong độ tuổi lao động, số còn khả năng lao động chiếm 40%, số đang tham gia lao động chỉ có 30%, khoảng 3% chưa đào tào nghề. Người có việc làm phù hợp và ổn định chỉ chiếm 15% là một con số quá ít. Hơn 80% NKT sống ở nông thông, phần lớn họ sống cùng gia đình. Số có làm việc thì đại bộ phận là lao động thủ công như: Làm tăm tre, chổi đót, đan lát, trồng trọt và chăn nuôi....Họ làm việc cùng nhau trong tổ, nhóm ở cùng một thôn, bản, làng, xóm nhưng cũng có thể làm việc làm việc theo đơn lẻ tại gia đình. Hiện cả nước có hơn 400 cơ sở này, với khoảng 20.000 lao động NKT đang làm việc với qui mô lớn, nhỏ khác nhau.

Có nhiều nguyên nhân khiến NKT ít có cơ hội tìm được việc làm, trong đó, trước hết là do trình độ văn hóa thấp, không được đến trường vì nhiều lý do 41% NKT từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, số còn lại thì chủ yếu dừng lại cấp 1, cấp 2. Trong khi đó, muốn có nghề, có việc làm thì phải có trình độ văn hóa nhất định.

Để tăng cơ hội việc làm cho NKT, pháp luật quy định tỷ lệ bắt buộc nhận NKT vào làm việc trong các doanh nghiệp, nếu không nhận đủ thì phải nộp một khoản tiền vào quỹ việc làm cho NKT. Nhưng quy định này chưa thấy có hiệu quả trong thực tiễn, mới chỉ có 8 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ Việc làm. Nếu các quy định được thực hiện nghiêm túc thì sẽ có một khoản tài chính đáng kể, tăng cường cho việc tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật nhiều hơn, nhưng chưa sự quan tâm đầy đủ, đồng thời cũng thiếu giám sát và đôn đốc, cũng như chưa có những biện pháp chế tài hữu hiệu.


Thực tế cho thấy, số NKT trên tỷ lệ dân số của mổi quốc gia đang ngày một tăng cao hơn. Ở Việt Nam, nguy cơ từ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, dịch bệnh, thiên tai, nghèo khó.. khiến số lượng NKT có xu hướng gia tăng. Thế nhưng, hoạt động can thiệp sớm, phòng ngừa khuyết tật, phục hồi chức năng để giảm thiểu khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức nên giải quyết các hậu quả của khuyết tật trong đó vấn đề việc làm ngày càng nặng nề.

* NKT gặp khó khăn trong tìm việc làm
Trong quá trình tiếp cận cơ hội học nghề, tìm việc làm, NKT gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu thông tin về học nghề, việc làm là một trong những trở ngại, nhất là người khiếm thính. Để khắc phục cần có sự quan tâm của gia đình, đoàn thể, tổ chức hội, chính quyền địa phương giới thiệu, cung cấp thông tin cho NKT, những điều này không được như mong đợi. Cùng với đó là bản thân NKT còn tự ti không mạnh dạn liên hệ hoặc chủ động đề nghị giới thiệu, giúp đỡ.

Anh Lê Quang Tuấn , sinh 1974, quê xã Hải Yến, Tỉnh Gia, Thanh Hóa bước vào nghề ăn xin cách đây 5 năm với lý do phải tự nuôi thân. Anh Tuấn cho rằng: "Học nghề thì cần phải có nhiều văn hóa. Mình học hết lớp 5, người thì trông như thế này, làm gì có ai nhận dạy nghề, tạo việc làm cho". Bởi vậy, anh Tuấn chưa từng nghĩ xem mình có thể làm việc gì bằng sức lao động chính đáng mà tự cho mình chỉ có thể đi ăn xin. Điều đáng buồn là gia đình anh còn bố mẹ, anh chị cũng ủng hộ việc anh đi ăn xin khắp nơi.

Rào cản giao thông cũng là thách thức không nhỏ. Quy định cấm xe 3 bánh chở hàng, nhưng đồng thời lại chưa có giải pháp tháo gỡ thỏa đáng khiến một bộ phận NKT sống bằng nghề chở hàng xe ba bánh mất việc, không có thu nhập và cũng chưa chuyển đổi nghề khác phù hợp. Đi lại bằng giao thông công cộng thì xe buýt không tiếp cận được, thái độ phục vụ còn thờ ơ. Đến đi lại bằng đường hàng không còn trường hợp bị từ chối phục vụ. Khó khăn trong đi lại đồng nghĩa với khó khăn tìm kiếm việc làm (trừ một số người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhận gia công tại nhà....)

Rào cản về môi trường xây dựng như: Trụ sở nơi làm việc, cơ sở học nghề không có lối đi NKT. Rào cản về nhận thức khi hầu hết chủ doanh nghiệp cho rằng sử dụng NKT sẽ thêm nặng trách nhiệm, tốn kém. Còn ở địa phương vẩn tồn tại nhận thức giải quyết việc làm cho người lành còn chưa xong, làm sao lo được cho NKT. Nhận thức này sai lầm, vì tình trạng thất nghiệp là một tồn tại xã hội, không giải quyết triệt để được. Nếu việc gì cũng phải chờ lo cho xong người lành mới đến NKT thì họ không bao giờ có cơ hội việc làm.

Quy định NKT làm việc 7h/ngày kiến nhiều doanh nghiệp ngại tuyển dụng NKT vì không đảm bảo hoạt động sản xuất bình thường. Với một số công việc đòi hỏi trình độ cao, NKT có thể đáp ứng nhưng không được sự quan tâm đào tạo. NKT tự tạo việc làm gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vì vay Ngân hàng Chính sách thì không có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phức tạp....

GIẢI PHÁP THÁO GỠ VÀ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH

* Cần sự quan tâm của các nghành và toàn xã hội
Để cải thiện tình trạng trên, nâng cao cơ hội đào tạo nghề cho người khuyết tật, có việc làm cần sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các nghành hữu quan và sự quan tâm của cả cộng đồng. Phải phổ cập và nâng cao trình độ văn hóa cho NKT, tạo điều kiện cho họ học tập và học càng cao càng tốt. Cần đào tạo cho NKT ở mọi trình độ văn hóa. Đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm, có thu nhập. Quan tâm đến vấn đề can thiệp sớm, phục hồi chức năng ngay từ khi còn nhỏ để tránh khuyết tật nặng, tránh gây khó khăn trong học nghề và tìm việc làm sau này.

Tạo điều kiện cho NKT đi lại thuận lợi. Các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề phải sửa chửa, cải tạo cơ sở vật chất để NKT tiếp cận và sử dụng. Nếu như cùng chung một nghành nghề, một môi trường làm việc, thì hãy quan tâm chia sẽ và ưu tiên hơn 1 chút cho những người NKT. Thay đổi nhận thức của chủ sử dụng lao động về khả năng làm việc của NKT, thay đổi định kiến cho rằng NKT không đảm bảo sức khỏe làm việc, nhận NKT thêm phiền phức, tốn kém, kinh doanh không có lãi. Bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng lao động NKT, cần phải nhận thức đây cũng là trách nhiệm đối với xã hội. Vì nếu không được làm việc thì NKT sẽ phải sống phụ thuộc, gánh nặng gia đình và cộng đồng.

Thông tin về dạy nghề, việc làm cho NKT phải đến được NKT. Nên thông qua tổ chức tự lực của NKT, tổ chức vì NKT để tuyên truyền về các chương trình, các dự án, khóa học nghề, tuyển dụng NKT để họ nắm được thông tin và đăng ký tham dự. Cần tổ chức nhiều hơn hội chợ việc làm, ngày hội tuyển dụng dành cho NKT....

* Tiếp tục hoàn thiện chính sách
Cần nghiên cứu, có cơ chế phù hợp về việc NKT làm việc 7 giờ/ngày. Cần có quy định về ngành nghề dành riêng cho NKT. Cần chặt chẽ hơn trong các quy định về tổ chức dạy nghề cho NKT như: Giáo án phù hợp, chính sách thỏa đáng cho giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề, phiên dịch cho người khiếm thính. Thời gian học nghề đối với NKT cần phải linh hoạt, tăng thêm thời gian so với người không khuyết tật. Tạo điều kiện cho NKT tiếp cận các nguồn vốn vay, hổ trợ kinh phí cho các tổ chức tự lực, cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT. Đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện cho đơn vị, cơ sở của NKT tự tạo việc làm phát triển như: Cho họ được tham gia thực hiện các dự án, chương trình về việc làm cho NKT; ưu đãi về vốn, thuế, mặt bằng, địa điểm tổ chức sản xuất, được tham gia tập huấn về quản lý.... Không nên chỉ dành chính sách ưu đãi đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh mà nên mở rộng chính sách ưu đãi đối với cơ sở của NKT ở các lĩnh vực như: dịch vụ du lịch, dịch vụ tư vấn, .... Vì hiện nay, NKT đã có mặt và tham gia vào mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Lồng ghép vấn đề việc làm cho NKT vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Phải tách riêng kinh phí dạy nghề để tạo tạo việc làm cho NKT, không để chung với kinh phí hổ trợ hổ trợ cho nông dân. Tạo thuận lợi và ưu tiên tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm đảm bảo chất lượng do NKT sản xuất, tương tự ưu tiên dành đường, chổ đổ xe ... Cho NKT.

Có chính sách khuyến khích đào tạo nghề cho người khuyết tật tại cộng đồng. Vì phần lớn NKT sống ở gia đình, gắn với cộng đồng dân cư nên hướng dạy nghề, tạo việc làm cho NKT ở cộng đồng là thích hợp và thuận tiện nhất. Đầu tư nâng cao năng lực, trang thiết bị kiến thức, kỹ năng, tay nghề, phát huy tài năng của lao động NKT. Với NKT ở vùng xâu, vùng xa, khu vực nông thôn, nên quan tâm và nâng thành tầm chiến lược cấp quốc gia thực hiện "Chương trình tạo việc làm tại chổ", tạo điều kiện cho NKT và gia đình của họ tự tạo việc làm.

Anh Phạm Trọng Hoàn, sinh năm 1975 (xã Thái Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) bị khuyết tật chân từ nhỏ, nhưng luôn khao khát được làm việc bằng sức của mình. Ngoài kinh doanh vàng bạc, anh còn mở thêm nghề thêu ren và cơ sở chuyên may đồ bảo hộ lao động tạo việc làm cho trên 70 NKT, thu nhập tối thiểu 1 triệu đồng/tháng, có chổ ở và hổ trợ ăn trưa. Doanh nghiệp đã được cấp 3.000m2 đất để xây dựng nhà xưởng và ký túc xá cho công nhân. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn để xây dựng, hoàn thiện nhà xưởng, hổ trợ mua sắm máy móc trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm lao động khuyết tật làm việc. Doanh nghiệp cần được hổ trợ kinh phí dạy nghề và xây thêm nhà nội trú cho NKT.

HỘI BẢO TRỢ NGƯỜI TÀN TẬT VÀ TRẺ MỒ CÔI VIỆT NAM VỚI VIỆC LÀM CHO NKT

Trước thực trạng và những khó khăn của NKT trong tìm việc làm, những năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã xây dựng chương trình tạo việc làm cho NKT là 1 trong 5 hoạt động trọng tâm của Hội. Trong đó, trước hết chú trọng phát triển mô hình dạy nghề, truyền nghề phù hợp với tạo việc làm tại cộng đồng. Mô hình này được thực hiện thành công ở các địa phương có làng nghề truyền thống như: nghề khảm trai ở Ngọ Hạ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), nghề chạm bạc, kim hoàn ở xã Minh Thắng (Vũ Thư, Thái Bình); một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình có các nghề mây giang đan, thêu ren móc chỉ, thủ công mỹ nghệ, may mặc, cơ khí, sửa chửa điện tử....

Có nhiều hình thức dạy nghề, truyền nghề gắn với giải quyết việc làm như: Tập trung theo lớp, xen ghép giữa người lành và NKT, tổ chức tại xưởng sản xuất, tại nhóm, hộ gia đình, kèm cặp vừa học vừa làm, cầm tay chỉ việc.... Về quy mô, có nơi 30 - 50 người nếu có địa điểm rộng. Có nơi chỉ kèm dạy từ 3 - 5 người tại nhà. Thời gian học nghề cũng linh hoạt, theo yêu cầu của từng nghề và dạng khuyết tật (đặc biệt đối với người bị câm điếc, người mù...), thường từ 2 -6 tháng, đặc biệt là ngay trong quá trình học nghề đã có thể tạo ra sản phẩm, có chút ít thu nhập. Đây là điểm thuận lợi cho NKT, là nguồn động viên to lớn và lại có thu nhập ngay để trang trải cuộc sống.

5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức dạy nghề cho 12.773 NKT, trong đó có 3.480 người được dạy nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia và 9.293 người từ các nguồn của Hội, trong đó khoảng 80% học nghề tại các cơ sở cộng đồng, kết quả có tới 85% vó việc làm ổn định. Về thu nhập, tuy chưa cao, nhưng NKT đã có thể tự hào không phải là người hoàn toàn sống dựa vào gia đình. Thêm nữa, được làm việc, có thu nhập giúp NKT sống tự tin, hòa nhập tốt hơn.

Việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với NKT, lực lượng lao động khuyết tật có đóng gióp không nhỏ cho sự phát tiển cho sự của nền kinh tế đất nước. Việc làm giúp NKT nâng cao vị thế và cải thiện chất lượng cuộc sống. Người sử dụng lao động và các nghành chức năng, cộng đồng cần nhìn nhận đúng về khả năng lao động của NKT và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với vấn đề việc làm cho NKT. Các chính sách, quy định pháp luật về vấn đề việc làm cho NKT phải có biện pháp chế tài, đảm bảo thực thi và kiển tra giám sát thực hiện. Có như vậy mới giải quyết được việc làm cho NKT một cách có hiệu quả và đảm bảo tính ổn định, bền vững./.
Theo nhandao.net.vn/

Đào tạo nghề cho người khuyết tật ở Hội An: Nhu cầu đa dạng


Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật có những rào cản nhất định. Thời gian qua, chính quyền TP.Hội An đã nỗ lực, tạo chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn cần sự vào cuộc tiếp tục của cả chính quyền và cộng đồng
Toàn thành phố hiện có hơn 2.020 người khuyết tật, chiếm 2,16 dân số (nữ có 908), trong đó có hơn 1.583 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (chiếm khoảng 78,23% so với tổng số người khuyết tật).
Trong nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố đã có nhiều chương trình, biện pháp cụ thể để giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Hiện tại có khoảng gần 1.500 đối tượng khuyết tật đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của Chính phủ. Chính quyền thành phố hàng năm đã chi trên 5,5 tỷ đồng để trợ giúp thường xuyên và khoảng 1 tỷ đồng mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng người khuyết tật nằm trong diện quy định. Ngoài ra, bình quân mỗi năm thành phố còn phải chi 1 - 2 tỷ đồng để giải quyết những vấn đề ngoài định mức chính sách quy định, trong đó có số đông người khuyết tật.

Gắn đào tạo nghề với việc làm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật hòa nhập và phát triển cùng cộng đồng. Ảnh: Đ.H

Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn liền với việc làm cũng được thành phố quan tâm. Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố cho biết, đào tạo nghề cho người khuyết tật ở Hội An gắn với thị trường và điều kiện sức khỏe của người khuyết tật, các nghề thủ công mỹ nghệ thông qua truyền nghề là chính. Vì vậy, gắn được với một doanh nghiệp, một cơ sở hoặc một hộ sản xuất cụ thể thì lối đi của người khuyết tật rộng mở hơn.

Tuy vậy, với nhiều nguyên nhân khách quan từ cơ chế chính sách, từ sự quan tâm hỗ trợ chưa đúng mức của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp nên kết quả đạt được trong giải quyết việc làm cho người khuyết tật chưa đạt như mong muốn. Mặt khác tâm lý tự ti, e ngại từ phía chủ quan của người khuyết tật cũng tạo ra những rào cản nhất định trên hành trình hòa nhập và vươn lên của họ. Chị Phạm Thị Nhất - Chi hội phó Chi hội Thanh niên khuyết tật thành phố chia sẻ: “Cơ hội việc làm cho người khuyết tật hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Thực tế chi hội thanh niên khuyết tật chúng tôi có 100 anh chị nhưng xét về trình độ học vấn, chuyên môn thì còn rất hạn chế, chỉ một số ít có trình độ đại học. Như vậy chỉ có các anh chị may mắn được cắp sách đến trường, có trình độ chuyên môn nhất định về công nghệ thông tin hoặc có khả năng trí tuệ tương đối thì mới được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. Phần lớn còn lại rất khó tìm được việc làm”.

Theo số liệu tổng hợp, hiện có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố tham gia đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động là người khuyết tật với khoảng hơn 100 đối tượng. Tập trung là các công việc: văn phòng, dịch vụ hành chính và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Phương thức tiến hành dễ nhận thấy là đào tạo gắn với việc làm tại nơi tiếp nhận, sử dụng lao động hoặc truyền nghề, dạy làm gia công... Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng - người trực tiếp dạy nghề tại cơ sở mộc truyền thống Kim Bồng của ông Huỳnh Ri (ở xã Cẩm Kim), từng dạy cho 8 lao động người khuyết tật, trong đó có 4 em thành nghề, trao đổi: “Chúng ta cần phải khảo sát từng đối tượng, từng nhu cầu đào tạo nghề để có hướng đào tạo phù hợp. Đồng thời phải có cơ sở đào tạo dành riêng với những điều kiện vật chất, kỹ thuật thích hợp dành cho người khuyết tật. Bản thân tôi thấy mỗi người khuyết tật có một điều kiện khác nhau cần được điều phối, phân chia học nghề cũng như lao động hợp lý thông qua một trung tâm nhất định”.

Rõ ràng, nhu cầu việc làm của người khuyết tật là rất lớn và rất đa dạng do điều kiện và thể trạng khuyết tật của từng người, rất cần sự vào cuộc của chính quyền và cả cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Dũng - quyền Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, thời gian qua công tác này đã có chuyển biến tích cực và đáng phấn khởi, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở Hội An khi đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp các điều kiện hạ tầng phúc lợi hoặc kỹ thuật đều chú trọng đúng mức đến điều kiện phục vụ dành cho người khuyết tật. “Người khuyết tật với tỷ lệ không nhiều nhưng những nhu cầu của họ không thua kém so với những người bình thường. Nếu biết khai thác tốt tiềm năng thì sẽ thu đạt lợi ích lớn. Doanh nghiệp nào càng chậm chân thì càng thua thiệt!” - ông Dũng nói.

Theo baoquangnam.com.vn/

Nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP. Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên và Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu các hoạt động sẽ diễn ra tại Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ IV năm 2015.

Đại diện Ban tổ chức thông tin về những hoạt động tại Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ IV năm 2015 - Ảnh: Hoàng Mẫn

Mục tiêu chính trong ngày hội là tạo nhiều cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh việc giới thiệu, tạo việc làm cho người khuyết tật, ngày hội còn có nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn hòa nhập, phổ biến pháp luật, đào tạo nghề cho người khuyết tật.
Ngày hội là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4). Mặt khác, đây cũng là dịp để tổ chức Đoàn, Hội và toàn xã hội thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành và hỗ trợ cho người khuyết tật. Từ đó, giúp họ có thêm niềm tin, bản lĩnh và nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ IV sẽ được tổ chức vào ngày 18/4/2015 tại Cung Thể thao Thanh niên Hà Nội (số 1 Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực dành cho người khuyết tật như: Tổ chức đăng ký học nghề miễn phí, ngắn hạn cho 300 người khuyết tật (thời gian từ 10 ngày đến 3 tháng); tuyển dụng, tuyển sinh học nghề cho 400- 500 người khuyết tật với sự tham gia của 25-30 doanh nghiệp; tư vấn sức khỏe miễn phí cho người khuyết tật; quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm các cơ sở sản xuất của người khuyết tật; tư vấn, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người khuyết tật; giao lưu văn nghệ, trao giải thưởng các hoạt động thể thao và các trò chơi cho người khuyết tật…

Ban tổ chức cho biết: Sau 3 lần tổ chức, với mục đích giúp người khuyết tật “Sống tự tin, sống trách nhiệm, sống nghị lực”, những hoạt động thiết thực tại Ngày hội đã tạo cho người khuyết tật không còn mặc cảm và tự ti nữa. Vì vậy, Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ có nhiều người khuyết tật đến tham gia ngày hội để tìm kiếm cơ hội cho riêng mình. Đồng thời, thông qua ngày hội, giúp quảng bá thương hiệu và giới thiệu các sản phẩm do chính người khuyết tật làm ra./.

Theo dangcongsan.vn

Người khuyết tật dạy nghề cho người khuyết tật

Những người khuyết tật sau khi thành nghề được ký hợp đồng dạy nghề lại cho những người khuyết tật khác. Cách làm này của các cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật ở Bình Định không chỉ tạo việc làm cho người khuyết tật mà còn giúp xóa bỏ khoảng cách mặc cảm, tự ti đối với những con người không may mắn. 
Cách đây 2 năm, chị Liên được nhận vào học nghề miễn phí ở cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga. Sau khi thành nghề, cơ sở lại hỗ trợ mặt bằng và vốn để chị Liên mở cửa hiệu riêng. Đổi lại, chị Liên có trách nhiệm dạy nghề lại cho những em học sinh khuyết tật khác vừa được nhận vào trường. 
Cùng với việc bố trí nghề học phù hợp với hình thức khuyết tật mà các em mắc phải, cách làm này của các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật ở Bình Định đã giúp hiệu quả các buổi học nghề được nâng lên.
 Em Nguyễn Thị Thanh, học viên cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga, thành phố Quy Nhơn, Bình Định nói: "Trước đây, em có đi học nghề ở một nơi nhưng thấy mặc cảm với mọi người xung quanh, giờ đến đây học và làm việc ở đây có những người cùng giống mình nên bớt buồn phần nào".
 Chị Nguyễn Thị Phương, cơ sở dạy nghề Đồng Tâm, thành phố Quy Nhơn, Bình Định nói: "Tôi không nghĩ rằng mình bị như thế này lại có thể có nghề như hôm nay, bây giờ dạy lại cho các bạn khác cảm thấy bớt buồn hơn". 
Tại các cơ sở dạy nghề khuyết tật hiện nay ở Bình Định hầu hết đều hợp đồng với những học viên được đào tạo trước đó để dạy nghề cho người khuyết tật khác. Đã có hơn 50% lớp học nghề của cơ sở hiện nay có giáo viên đứng lớp là người khuyết tật. Các cơ sở này vừa tạo được sự gần gũi, thân mật giữa giáo viên và học viên, xóa bỏ khoảng cách mặc cảm tật nguyền của họ, vừa giúp một bộ phận người khuyết tật sau khi thành nghề có việc làm cho thu nhập. 
Chị Nguyễn Nga, chủ cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga nói: "Ý tưởng này là ý tưởng vòng tay bè bạn để giúp những người khuyết tật có cơ hội làm việc đồng thời mở rộng cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật". 
Chia sẻ bằng mọi hình thức, bằng mọi cách có thể để giúp người khuyết tật sống tự tin hoà nhập cộng đồng lúc này đã là công việc chung của nhiều người, trong đó có cả sự tham gia của chính những người khuyết tật. Tạo một môi trường thuận lợi để người khuyết tật vươn lên khẳng định mình trong lao động là một cách tốt nhất giúp người khuyết tật tự hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng.
Theo vietbao.vn/


Cần có kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề cho người khuyết tật



Đó là nhận định của ông Đào Trọng Độ, Phó vụ trưởng vụ dạ nghề, bộ lao đoọng thương binh và xã hội.
Trong hai ngày, 11 và 12-5, Đoàn công tác Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế ILO do ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ dạy nghề làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát về tình hình đào tạo nghề cho người khuyết tật tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh BR-VT.
Đoàn đã làm việc tại 8 trường dạy nghề cho người khuyết tật gồm: Trường CĐ nghề Du lịch Vũng Tàu; Trường CĐ nghề tỉnh; Trường CĐ nghề quốc tế Vabis Hồng Lam; Trường TCN Công nghệ thông tin TM.COMPUTER; Trung tâm đào tạo nghề Phước Lộc; Cơ sở Dạy nghề Truyền Tín; Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên. Tại các nơi làm việc, các cơ sở đào tạo nghề đã báo cáo tình hình đào tạo nghề cho người khuyết tật và nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đào tạo nghề cho người khuyết tật như: Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu dạy nghề cho người khuyết tật, chưa có giáo viên chuyên trách dạy nghề cho người khuyết tật; công tác trợ giúp người khuyết tật hiệu quả chưa cao, tính bền vững còn hạn chế; trang thiết bị phục vụ dạy nghề cho người khuyết tật… Kết quả đào tạo nghề cho người khuyết tật ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh BR-VT vẫn chưa đạt được như yêu cầu.
Trên cơ sở khảo sát tại các đơn vị, ông Đào Trọng Độ đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh BR-VT đối với công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật. Tuy nhiên, để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật có hiệu quả hơn, ông Độ kiến nghị tỉnh BR-VT cần có kế hoạch cụ thể về việc triển khai đào tạo nghề cho người khuyết tật; tăng cường công tác tuyên truyền để người khuyết tật nắm được các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho người khuyết tật, đồng thời vận động các DN tiếp tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
Theo baobariavungtau.com.vn

Người khuyết tật phù hợp với nghề công nghệ thông tin



Hơn 100 người khuyết tật tại Quảng Nam sẽ có cơ hội được đào tạo nghề công nghệ thông tin (CNTT) và có việc làm từ dự án “Đào tạo nghề CNTT và việc làm cho người khuyết tật” do một tổ chức quốc tế thực hiện tại Trường cao đẳng công kỹ nghệ Đông Á (Quảng Nam).

Theo lộ trình, dự án này sẽ kéo dài từ nay đến năm 2015, đào tạo cho hơn 250 học viên ở bậc trung cấp chuyên nghiệp và kỹ thuật viên. Toàn dự án gần 9 tỉ đồng.
Theo drdvietnam.org

Lớp học đặc biệt miễn phí giúp người khuyết tật ở ĐH dân lập Văn Lang

Chương trình “Đào tạo nghê công nghệ thông tin cho người khuyết tật” của trường Đại học dân lập Văn Lang đã đào tạo miễn phí gần 600 học viên trong suốt 6 năm qua.


Trường đại học dân lập Văn Lang vẫn đang tuyển sinh đào tạo miễn phí các lớp công nghệ tin học giúp người khuyết tật. Một số trường hợp khuyết tật đặc biệt còn được hỗ trợ phí sinh hoạt.

Tin từ trường đại học này cho hay, gần 40 học viên khuyết tật của lớp kỹ thuật viên đồ họa GD37 và GD38 vừa tốt nghiệp hồi giữa tháng 12/2014.
Lớp học đặc biệt nói trên thuộc chương trình “Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật” nằm trong Dự án “Hòa nhập người khuyết tật Việt Nam”, một chương trình đào tạo phi lợi nhuận được trường Đại học dân lập Văn Lang triển khai từ năm 2009.
Chương trình đào tạo do tổ chức CRS (Catholic Relief Sevices) phối hợp thực hiện, gồm 3 phần: Software Engineering, Graphic Desig, Architect Engineering Design và đào tạo Hướng dẫn viên tin học cộng đồng cho người khiếm thị.
Các học viên tham gia khóa học đều là những người đa khuyết tật, có độ tuổi từ 18-35, được học nghề miễn phí. Một số trường hợp khó khăn được giảm hoặc hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng. Sau 3 giai đoạn thực hiện, dự án đã đào tạo được gần 600 học viên và có 80% số học viên tìm được việc làm.
Hiện trường Đại học dân lập Văn Lang đang tiếp tục tuyển sinh lớp đào tạo kỹ thuật viên đồ họa 2D-3D dành cho người khuyết tật. Bạn đọc quan tâm liên hệ số điện thoại 08-38367933 để được hỗ trợ đăng ký.

Nữ giám đốc khuyết tật tài ba chắp cánh ước mơ cho người đồng cảnh


Bị khuyết tật vận động bẩm sinh từ nhỏ, ngỡ rằng suốt đời sẽ là một gánh nặng cho gia đình, xã hội nhưng cô đã vươn lên trở thành một nữ giám đốc tài ba của một trung tâm chuyên đào tạo nghề công nghệ thông tin, hỗ trợ việc làm cho nhiều người đồng cảnh. Nguyễn Thảo Vân, cô gái mang thân hình nhỏ nhắn chỉ hơn 20kg, nhưng có một nghị lực phi thường.

Đối mặt với hoàn cảnh
Thảo Vân được sinh ra trong một gia đình nghèo tại xóm 7, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An, là em gái ruột của Nguyễn Công Hùng (Hiệp sĩ công nghệ thông tin). Từ khi chào đời, Vân đã mắc căn bệnh teo cơ tuỷ sống mà đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Không giống như bao đứa trẻ khác được tập lật, bò, tập đi những bước đầu đời, Vân phải nằm một chỗ, tuổi ấu thơ mang đầy nỗi tủi.
Tuy thân thể không được lành lặn, teo tóp, ngồi lọt thỏm vào chiếc xe lăn nhỏ, 2 bàn tay chỉ cử động được mấy ngón yếu ớt, nhưng Thảo Vân rất ham học. Nhìn chúng bạn cắp sách tới trường học chơi vui vẻ, Vân đã năn nỉ xin bố mẹ cho mình đến lớp học bằng được. Thế là hằng ngày em đến trường trên lưng mẹ. Nhưng rồi việc học không diễn ra theo suy nghĩ của Vân. Học chung với những đứa trẻ bình thường, Vân thường xuyên bị chúng bạn trêu chọc trong những giờ ra chơi. "Bọn chúng nhạo báng, giễu cợt gọi mình là đồ lưng gù, đồ tàn tật và còn rất nhiều biệt danh khác mà mình cũng không nhớ và không muốn nhớ nữa", Vân kể lại. Từ đó mỗi ngày tới giờ đi học với Vân cứ như cực hình và là nỗi ám ảnh thực sự.
Có nhiều lúc Vân muốn bỏ học để tránh sự trêu chọc của lũ bạn. Nhưng Vân đã được bố an ủi động viên "Mỗi con người sinh ra đều có một hoàn cảnh khác nhau, điều quan trọng là họ đối mặt thế nào với hoàn cảnh và biết cố gắng hết sức để theo đuổi ước mơ của mình. Nếu con thích học, hãy vượt lên tất cả để theo đuổi nó", Vân nhớ lại… Từ hôm ấy, em đã quyết tâm tiếp tục đến trường với một tinh thần thép, sẵn sàng đối mặt với sự châm chọc, không sợ hãi và khóc khi bị chúng bạn cười chế giễu nữa.
Nụ cười lạc quan luôn nở trên môi chị Thảo Vân.

Sau khi học xong lớp 12, Thảo Vân về làm nhân viên tư vấn tâm lý cho người khuyết tật và kiểm duyệt hồ sơ cho Trung tâm đào tạo Tin học của anh Công Hùng tại Nghệ An. Vân vốn là người thông minh, nhanh nhẹn và ham học hỏi lại rất giỏi tiếng Anh, với ý nghĩ phải thay đổi cuộc sống vượt lên số phận, "Muốn thay đổi cuộc sống, trước tiên phải thay đổi chính mình" - Thảo Vân chia sẻ. Vì thế em đã nỗ lực tự mày mò ngày đêm học tin học và thiết kế đồ hoạ.
Năm 2007, Vân đã có quyết định táo bạo, một mình ra Hà Nội để đăng ký tuyển dụng vào Công ty Thiết kế Heartlink Jsc. Dù bị cả gia đình phản đối ngăn cản nhưng em vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình. Sau khi được nhận vào công ty vừa học vừa làm 8 tháng nâng cao tay nghề, chuyên môn kỹ thuật. Vân tiếp tục nộp hồ sơ xin tuyển vào một công ty lớn của Đan Mạch (Esoftflow) và đã trúng tuyển với mức lương cao và ổn định. Vân đã dùng tiền lương thuê nhà sống tự lập và mướn người chăm sóc mình.
Khi đã tìm được việc làm, nơi ăn ở ổn định, Thảo Vân bắt đầu cùng anh trai thành lập Công ty cổ phần Nghị lực sống. Công ty cung cấp dịch vụ chính là thiết kế website vào tháng 10.2009 tại Hà Nội. Đến tháng 10.2010: Nghị lực sống chính thức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, bao gồm Trung tâm Nghị lực sống và Công ty cổ phần Nghị lực sống chuyên đào tạo CNTT, thiết kế đồ hoạ miễn phí cho NKT. Tháng 5.2011, Thảo Vân mở thêm phòng vé máy bay Nghị lực sống (bán sỉ và lẻ vé máy bay của các hãng hàng không trong và ngoài nước) tạo việc làm cho các bạn khuyết tật tại Nghệ An, Hà Nội.
Thảo Vân trong một chuyến đi thiện nguyện ở vùng cao.

Chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật
Sau khi anh trai qua đời năm 2012, Thảo Vân đứng trước nhiều khó khăn. Với cương vị là Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống, kế nghiệp anh, Thảo Vân đã nỗ lực hết mình chèo lái tiếp tục phát triển đào tạo, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho các học viên là người khuyết tật (NKT), kết nối các cơ sở sản xuất tìm đầu ra cho sản phẩm của NKT với phương châm "giúp NKT tạo ra cần câu cá thay vì tặng họ con cá". Trong quá trình phát triển, Trung tâm Nghị lực sống tự vận động trở thành một cơ sở điển hình: đào tạo đầu vào và cung cấp đầu ra qua các chương trình đào tạo CNTT, mỗi năm trung tâm đã đào tạo 2 khoá học CNTT cho các bạn khuyết tật (với gần 100 người), kết thúc khoá học các học viên được hỗ trợ xin việc làm phù hợp và mức lương ổn định.
Không những thế, để có thể hỗ trợ cho người khuyết tật nhiều hơn, Thảo Vân đã cố gắng xây dựng giáo trình trực tuyến đào tạo CNTT dành cho NKT và đang dần hoàn thiện ở giai đoạn cuối cùng. Thảo Vân hi vọng dự án này sẽ có ích cho những người khuyết tật không đủ điều kiện đi học. Họ có thể học trực tuyến tại nhà một cách dễ dàng. Đồng thời Thảo Vân đang tìm nguồn tài trợ và kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng qua chương trình "Viên gạch của bạn, ngôi nhà cho Nghị lực sống".
Qua chương trình này, trung tâm mong muốn đón nhận khoản tiền 900 triệu đồng từ sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm để mua một căn hộ làm nơi học tập, sinh hoạt ổn định và cư trú miễn phí cho các học viên khuyết tật đến học nghề tại trung tâm. Vân hi vọng trong thời gian tới Nghị lực sống sẽ có nhà mới mà không phải đi thuê 3 căn hộ như hiện tại. Ngoài ra, Vân đã tìm được đối tác nước ngoài ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo cho học viên và đồng ý nhận học viên của Nghị lực sống vào làm ngay sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy Trung tâm Nghị lực Sống đã trở thành điểm đến, và là nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều bạn khuyết tật khắp nơi.
Bên cạnh những công việc bận rộn của một giám đốc, Thảo Vân còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng. Vân cùng các bạn trong nhóm thành lập Trung tâm Nghị lực sống - đào tạo tin học cho người khuyết tật, cùng Công ty Nam Trường Sơn tặng 10.000 bản quyền của phần mềm diệt virus Kaspersky cho cộng đồng người khuyết tật sử dụng máy tính (tương đương 1 tỷ đồng). Tham gia khoá tập huấn kỹ năng làm việc với người khuyết tật tại thành phố Pattaya - Thái Lan. Tham gia ngày "Hội hoạ kết nối" hoạt động xã hội, phát triển sự gắn kết trong giới trẻ Việt Nam. Tham gia chương trình Hành trình "niềm tin & hy vọng" 220 người khuyết tật thực hiện hành trình 7 ngày qua các tỉnh miền Trung.

Năm 2011, Vân tiếp tục Cùng với Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng CTD tổ chức khóa học về Kỹ năng sống dành cho NKT. Kêu gọi ủng hộ bánh kẹo, đồ ấm và quà cho 40 em bé dân tộc tại Sa Pa. Tổ chức trung thu cho khoảng 500 em bé dân tộc Thái ở 2 điểm là xã Phúc Sơn và xã Hồng Ca thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Tổ chức cho người khuyết tật đi bộ và tự lăn xe với mục đích tự tin hòa nhập toàn diện với cuộc sống cũng như xóa bỏ ý nghĩ "không thể". Năm 2013 Thảo Vân còn tham gia nhiều chương trình hội thảo, đại diện nhóm người khuyết tật tham gia chương trình Ngày hội gia đình. 
Với nghị lực phi thường, có nhiều đóng góp, hỗ trợ cho cộng đồng NKT, và trẻ em nghèo khắp nơi vượt qua khó khăn, vươn lên sống có ích cho gia đình, xã hội từ năm 2005 đến nay, Vân đã nhận được nhiều giải thưởng. Cô gái nhỏ tật nguyền, vinh dự được Đài Truyền hình Việt Nam mời làm "Người đương thời năm 2005". Năm 2007, Vân được Đài Truyền hình Việt Nam mời giao lưu gặp gỡ "Người xây tổ ấm", nhận giải thưởng "Nhân tài đất Việt năm 2008", nhận giải thưởng 20 cá nhân xuất sắc "Cuộc thi Chim én năm 2009", nhận giải thưởng "Giải Băng Xanh năm 2011" do Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam (VNAH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), và Ủy ban Điều phối các Hoạt động về Người khuyết tật (NCCD) trao tặng. Nhận giải thưởng "Tầm nhìn phụ nữ năm 2012" do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế tại Hà Nội trao tặng. Nhận giải thưởng 20 cá nhân xuất sắc. Cuộc thi Chim én 2013.

Có thể nói, Thảo Vân là một tấm gương điển hình về nghị lực phi thường, luôn miệt mài cống hiến công sức cho cộng đồng xã hội thật khiến mỗi chúng ta phải ngưỡng mộ khâm phục.
Được gặp, trò chuyện với cô, tôi rất cảm phục trước ý chí nghị lực, sự yêu đời, hóm hỉnh, hoạt bát và tràn đầy niềm tin khát vọng sống, cống hiến của cô. Với Vân: "Cuộc sống còn cho mình hơi thở là mình còn cố gắng để sống sao cho thật ý nghĩa", Vân chia sẻ. Là một người đồng cảnh, tôi thật vinh dự và hạnh phúc khi có một người bạn tài ba như Vân. Vân là một bông hoa tươi thắm toả ngát hương cho vườn hoa cuộc đời thêm tươi đẹp...
Theo danviet.vn/

Điểm sáng về hướng nghiệp cho người khuyết tật

Với những thành tích đạt được trong việc đào tạo nghề công nghệ thông tin cho người khuyết tật suốt 11 năm qua, Câu lạc bộ Hướng nghiệp khuyết tật Trẻ TP.HCM đã vinh dự nhận Giải thưởng VICTA 2010 dành cho Cơ sở đào tạo CNTT-TT cho người khuyết tật xuất sắc nhất.

Lớp học thiết kế đồ họa vi tính tại CLB Hướng nghiệp khuyết tật Trẻ TP.HCM. Ảnh: Phi Long

Nhiều hoạt động ý nghĩa
Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2000, CLB Hướng nghiệp khuyết tật Trẻ TP.HCM đã theo đuổi mục tiêu giúp những người khuyết tật có nơi rèn luyện nhân cách sống và ý chí phấn đấu, giúp họ sống tự tin để hòa nhập cộng đồng.
Tại đây, họ không chỉ được hướng nghiệp, học tập, tạo việc làm mà còn có thể tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, sinh hoạt cùng những người đồng cảnh ngộ. Với mục tiêu mang tính nhân văn ấy và nhờ vào những hoạt động thực sự bổ ích, CLB đã thu hút sự tham gia của đông đảo học viên là những người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ đường phố hay sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bộ đội xuất ngũ, con thương binh, bệnh binh…
Bên cạnh việc dạy và học, CLB cũng đã kết hợp tổ chức các hội thi và lưu diễn nhiều đợt văn nghệ thường niên có tính chất cộng đồng như: chương trình “Trung Thu của em”, chương trình “Giáng Sinh vì cộng đồng” tại Đầm Sen, chương trình văn nghệ chào mừng ngày Quốc tế Người khuyết tật” diễn ra tại Suối Tiên…
Đặc biệt, CLB Hướng nghiệp khuyết tật Trẻ TP.HCM đã tham gia giao lưu văn hóa giữa các nước Malaysia, Singapore và Việt Nam. Riêng đội văn nghệ CLB đã đạt được nhiều thành tích cao trong các Hội thi Văn nghệ - Thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc, như tại Hội thi lần thứ IV ở Đà Nẵng, CLB đã đạt được 22 huy chương vàng ở các bộ môn.
Ngoài ra, CLB Hướng nghiệp khuyết tật Trẻ TP.HCM còn là một trong những nơi đi đầu về các hoạt động xã hội như: vận động cấp xe lăn, trao tặng học bổng, quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, đồng bào bị thiên tai lũ lụt miền Trung.
Bên cạnh đó, CLB còn thường xuyên trao tặng quà cho các hội viên của CLB và những người khuyết tật của các mái ấm, nhà mở trêng địa bàn Thành phố.
Từ những hoạt động ý nghĩa này, CLB đã vực dậy niềm tin của các học viên là những người khuyết tật, giúp họ ý thức được việc phải cố gắng hơn nữa trong cuộc sống nhằm trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Qua đó, họ sẽ phấn đấu hơn nữa trong học tập, rèn luyện tại CLB để có được việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.

Nâng cao chất lượng dạy học, mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song CLB Hướng nghiệp khuyết tật Trẻ TP.HCM vẫn không ngừng mở rộng ngành đạo tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm giúp học viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin làm việc theo đúng chuyên môn của mình.
Hiện tại, CLB đang có 3 lớp về công nghệ thông tin, đó là các lớp đào tạo tin học căn bản, đào tạo tin học văn phòng và đào tạo đồ họa in ấn. Những học viên sau khi tốt nghiệp các lớp này có thể thi lấy chứng chỉ do Sở GD&ĐT TP.HCM cấp.

Bên cạnh các lớp học về công nghệ thông tin, còn phải kể đến các lớp Anh văn căn bản, nhạc lý căn bản thu hút nhiều học viên theo học. Riêng về mảng dạy nghề, CLB cũng có hai lớp dạy kết cườm mỹ nghệ và tranh thêu tay mỹ nghệ giúp học viên nắm bắt các kỹ năng một cách thuần thục, tạo cơ sở để phát triển ngành nghề sau này và dễ dàng xin việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở.
Đội ngũ giáo viên, nhân viên tại CLB đa số là những người có chuyên môn cao, sự nhiệt tâm với người khuyết tật. Ngoài công tác tại CLB, những giáo viên tại đây còn thường xuyên trau dồi kỹ năng sư phạm bằng việc nhận dạy hợp đồng tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đó, CLB còn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ từ những giáo viên tình nguyện là giảng viên của các trường nghề, trung học chuyên nghiệp, ĐH, CĐ, vì thế nên công tác dạy và học tại CLB không ngừng được nâng cao.
Chị Nguyễn Thị Bon, đại diện Ban chủ nhiệm CLB Hướng nghiệp khuyết tật Trẻ TP.HCM cho biết: “Vì CLB là nơi đào tạo hướng nghiệp nên trong quá trình đào tạo luôn chú ý đến những kiến thức thực tế để sau này học viên dễ dàng tìm việc. Đối với các lớp học về công nghệ thông tin, CLB không chỉ dừng lại ở việc dạy lý thuyết mà còn thường xuyên mở các buổi chuyên đề thực hành trên nền tảng kiến thức đã được học”.
“Có nhiều trường hợp, học viên đã được đào tạo cơ bản về kiến thức đồ họa nhưng vẫn chưa tự tạo ra được sản phẩm, CLB vẫn nhận về đào tạo lại một khóa chuyên về các ấn phẩm đồ họa. Bên cạnh việc dạy học, giáo viên của CLB còn truyền đạt các kỹ năng cần thiết khi đi làm, vì thế sau khi kết thúc các khóa học, các bạn học viên được cấp chứng chỉ rất tự tin đi xin việc ở nhiều nơi.”, chị Bon chia sẻ thêm.
Chính nhờ sự dạy dỗ ân cần của thầy cô và mô hình đào tạo chuyên nghiệp nên trong năm 2010, CLB Hướng nghiệp khuyết tật Trẻ TP.HCM đã có được kết quả rất khả quan. Trong tổng số 144 học viên theo học đã có đến 94% học viên được cấp chứng chỉ, chứng nhận tốt nghiệp.
CLB cũng đã giới thiệu và tạo việc làm cho 51 học viên sau khi tốt nghiệp, trong số đó có 32 học viên được giải quyết việc làm tại chỗ, những học viên còn lại được giới thiệu làm việc ở những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan cần lao động.
Theo huongnghiepviet.com

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Ngày hội việc làm hòa nhập Người khuyết tật lần thứ IV năm 2015


Thiết thực hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam, ngày 18/4, tại Cung Thể thao Thanh niên Hà Nội (Số 1 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Hội LHTN Việt Nam Thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội và Hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội tổ chức chương trình Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ IV năm 2015. 
Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết: Ngày hội việc làm cho người khuyết tật là một hoạt động thường niên của Thành đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố tổ chức. Chương trình thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, tình cảm của tổ chức đoàn, hội dành cho người khuyết tật trong việc đào tạo, dạy nghề, tư vấn, tuyển dụng lao động.

Đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Ảnh: Hoàng Mẫn


Thông qua hoạt động, Ban tổ chức mong muốn giúp người khuyết tật sống tự tin và không ngừng phấn đấu, trở thành những tấm gương sáng trên nhiều lĩnh vực; có thêm niềm tin, bản lĩnh, nghị lực để vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống và vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ngày hội là dịp biểu dương những tấm gương sáng luôn vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, để giáo dục cho đoàn viên thanh niên cùng chung tay vì một xã hội phát triển.
Qua 3 lần tổ chức Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật đã thu hút 98 đơn vị tham gia cùng hơn 800 lượt người tham dự và mỗi gian hàng đã nhận được gần 200 đơn đăng ký học nghề, tìm việc làm. Đặc biệt, ngay sau Ngày hội đã có gần 300 người khuyết tật được học nghề tại các cơ sở, doanh nghiệp
Điểm mới của Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật lần thứ IV năm 2015 là ngoài người khuyết tật tham gia, Ngày hội còn có các đối tượng thuộc Hội người mù, Hội người điếc tham dự. Ban tổ chức cũng dành địa điểm cho các công ty, cơ sở của Hội người mù, Hội người điếc tham gia tuyển sinh đào tạo nghề cho các đối tượng này. Đồng thời, tuyển dụng những người khuyết tật có trình độ cao vào làm việc tại các Công ty với mức thu nhập tốt.
Đặc biệt, dịp này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Trung ương Đoàn, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội ký kết chương trình phối hợp dạy nghề miễn phí cho 250 người khuyết tật (mỗi suất trị giá 4 triệu đồng). 

Các đơn vị ký chương trình phối hợp dạy nghề cho người khuyết tậ - Ảnh: Hoàng Mẫn

Với mục tiêu chính là tạo nhiều cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, tại Ngày hội việc làm hòa nhập cho người khuyết tật lần 4 diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Tổ chức đăng ký học nghề miễn phí, ngắn hạn cho 300 người khuyết tật (thời gian từ 10 ngày đến 3 tháng); tuyển dụng, tuyển sinh học nghề cho 400- 500 người khuyết tật với sự tham gia của 25-30 doanh nghiệp; tư vấn sức khỏe miễn phí cho người khuyết tật; quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm các cơ sở sản xuất của người khuyết tật; tư vấn, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người khuyết tật; giao lưu văn nghệ, trao giải thưởng các hoạt động thể thao và các trò chơi cho người khuyết tật…
Là một trong những thành viên Câu lạc bộ khuyết tật quận Hoàng Mai và là người gắn bó với Ngày hội từ những ngày đầu tiên, anh Phạm Quang Khoát chia sẻ: “Qua 4 lần diễn ra Ngày hội, tôi đã được chứng kiến nhiều người khuyết tật đến tham gia và tìm được việc làm phù hợp với năng lực của bản thân. Bên cạnh giới thiệu việc làm, tham dự Ngày hội, tôi cũng như nhiều người khuyết tật được tham gia giao lưu văn nghệ, thể thao với các đoàn viên thanh niên, điều đó khẳng định những thanh niên khuyết tật chúng tôi luôn muốn thể hiện mình, muốn hòa nhập vào cuộc sống và điều chúng tôi mong muốn là xã hội hãy tạo cho chúng tôi sự bình đẳng nhiều hơn nữa để hòa nhập cuộc sống”.
Tại Ngày hội, Ban tổ chức tặng Cờ lưu niệm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tham gia Ngày hội; tặng 16 Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; của Hội LHTN Việt Nam TP. Hà Nội cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật./.
Theo dangcongsan.vn

Giúp người khuyết tật kiếm tiền

 HTX tiểu thủ công nghiệp - thương mại Thanh Thanh (xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) có 1/3 nhân công là người khuyết tật.

Các nhân công khuyết tật tại HTX Thanh Thanh - Ảnh: T.Hằng

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, giám đốc HTX, tâm sự: “Chỉ cần đôi tay còn hoạt động và ham muốn làm việc là chúng tôi có thể giúp bà con sống được”.
Bà Xuân cho biết khi về hưu, thấy phụ nữ địa phương sau giờ làm đồng thì rảnh rang trong khi phải chi tiêu rất nhiều tiền vào các khoản điện, nước, việc ăn học của con. Từ đó bà Xuân nghĩ phải tìm một việc gì vừa sức với chị em “làm mà như chơi nhưng kiếm tiền thật”.
HTX tiểu thủ công nghiệp - thương mại Thanh Thanh ra đời từ trăn trở ấy. HTX tập trung vào các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như khay, balô, túi xách, chậu hoa... để tạo việc làm cho những lao động nhàn rỗi.
Sản phẩm HTX được làm theo đơn đặt hàng từ các công ty tại TP.HCM và các nước Đức, Nhật, Hà Lan... nên nhân công hầu như không phải lo thất nghiệp. Dần dần, bà Xuân nhận thấy ngoài những người nông nhàn thì người khuyết tật rất phù hợp với công việc này.
Bà Xuân chuyển sang đào tạo nghề cho người khuyết tật. Bà kết hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương mở những lớp dạy nghề miễn phí. Kể từ đó rất nhiều học viên khuyết tật tìm đến cơ sở xin gắn bó lâu dài, mong có thu nhập ổn định.
Tính đến nay, HTX có 10 tổ gia công ở các huyện, thành phố với trên 100 lao động, trong đó có khoảng 30 lao động là người khuyết tật.
Chị Nguyễn Thị Bích Châu (phường 2, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cho biết thu nhập từ nghề đan giỏ đã giải quyết phần nào khó khăn kinh tế của gia đình. Dù đôi chân bị tật nhưng hiện chị là lao động chính nuôi gia đình. Trước kia hằng ngày chị Châu đi bán vé số để kiếm tiền.
Sau khi học nghề đan giỏ, chị tranh thủ hai buổi sáng chiều bán vé số, buổi trưa và tối đan giỏ. Chị Châu chia sẻ:
“Đầu tiên vô học thì thầy cô tạo điều kiện, ưu tiên cho người khuyết tật. Trong quá trình học nghề được nuôi cơm và chỗ ở nếu không có điều kiện đi lại nên mình làm việc rất thoải mái”.
Bà Nguyễn Thị Niệm - chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ - cho biết đã liên kết với HTX mở lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật và người nghèo ở địa phương từ mấy tháng nay.
Bà thường đến cơ sở học làm những sản phẩm mới về chỉ lại cho những hộ ở xã mình. “Qua bản thân làm thử, tui thấy công việc này vừa sức với người khuyết tật. Làm ở đây đảm bảo được đầu ra, hằng tháng mỗi người kiếm thêm vài trăm ngàn đồng cũng lo được phần nào chi phí trong gia đình” - bà Niệm nói.
Chia sẻ những điều đã đạt được, bà Xuân nói: “Mục đích tôi thành lập HTX là muốn tạo việc làm cho những người khó khăn, nên bằng mọi giá không để họ nản chí mà rời cơ sở. Sắp tới tôi vẫn sẽ tập trung hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật và người nghèo.
Bản thân tôi cố gắng thiết kế những mẫu sản phẩm phù hợp với người khuyết tật nhưng có giá trị cao để tăng tiền gia công, tiếp sức cho người khuyết tật, người nghèo cải thiện miếng cơm manh áo”.
Theo tuoitre.vn

Đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật tại Thị xã Sông Công - Thái Nguyên



Ngày 10/4, Trung tâm dạy nghề người tàn tật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho các học viên là người tàn tật thuộc địa bàn xã Bình Sơn, thị xã Sông Công.
Đây là lớp đào tạo nghề may công nghiệp thứ 2 mà trung tâm dạy nghề người tàn tật tỉnh Thái Nguyên khai giảng trong năm nay. Tham gia lớp học có 20 học viên là những người khuyết tật thuộc xã Bình Sơn, thị xã Sông Công.
Hiện nay, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật đang được các cấp, các ngành quan tâm. UBND tỉnh đã ban hành Đề án Trợ giúp người khuyết tật tỉnh, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật sống tự tin tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội trên tất cả các lĩnh vực.
Xã Bình Sơn là một trong những địa phương có đông số người bị khuyết tật của thị xã Sông Công với 150 người. Hầu hết những người khuyết tật đời sống còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của cộng đồng và xã hội. Các học viên tham gia lớp học được học nghề miễn phí, sau 3 tháng học, các học viên được cấp chứng chỉ đào tạo nghề của trung tâm và có thể làm việc trong các công ty, nhà máy.
Việc đào tạo nghề cho người khuyết tật có ý nghĩa quan trọng không những góp phần giúp người khuyết tật vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hòa nhập cuộc sống cộng đồng mà còn góp phần thực hiện có hiệu quả luật người khuyết tật số 51/2010 của quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 12 thông qua ngày 17/6/2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành quyết định về luật người khuyết tật

Theo thainguyentv.vn/

Khi doanh nghiệp đi tìm người khuyết tật



Gần 100 bạn trẻ khuyết tật, doanh nghiệp, những người quan tâm tới việc làm cho người khuyết tật đã cùng ngồi lại, chia sẻ về khó khăn trong công việc tại Hội thảo "Tại sao Người khuyết tật khó xin việc làm?" . Hội thảo (ngày 20/8) đầu tiên về việc làm cho người khuyết tật.

"Hãy một lần tin tưởng chúng tôi"!
Bức xúc chung nhất của hơn 100 bạn trẻ khuyết tật đến với hội thảo này: quá nhiều khó khăn để có một việc làm ổn định cho người khuyết tật. Đa số họ khi nộp đơn xin việc, đều không nhận được hồi âm. Hoặc nếu có được gọi đến phỏng vấn thì sau đó cũng là một sự im lặng. Sự im lặng bình thường được hiểu là không có sự hợp tác, nhưng đối với những người khuyết tật, thái độ ấy dễ khiến họ suy ra nhiều hàm nghĩa: thiếu tôn trọng, thiếu sẻ chia, và có cả… coi thường.
Để vượt lên, sống tự tin, đòi hỏi nghị lực của những người khuyết tật không hề nhỏ. Và thực tế họ gặp phải khó khăn từ rất nhiều phía: Các chính sách, đãi ngộ đối với người khuyết tật chưa làm đến nơi; trường dạy nghề cho người khuyết tật còn quá lý thuyết, không có cơ hội thực hành, làm quen, giới thiệu chính mình với doanh nghiệp; Môi trường công việc trong các công ty đa phần không có những cơ sở vật chất phù hợp thể trạng người khuyết tật; Doanh nghiệp yêu cầu ở họ quá nhiều điều bất cập đối với khả năng của phần khiếm khuyết...
Ngọc Bích (Sinh viên khoa Xã hội học – ĐH KHXH&NV) chia sẻ: Bạn đã tốt nghiệp ĐH Văn Lang, nhưng khi đi xin việc, công việc văn phòng mà bạn nhận được theo lời hứa thực chất chỉ là ghi danh và không làm gì hơn. Hiện nay, Ngọc Bích đang học văn bằng 2 ĐH KHXH&NV. Ở đâu, cô cũng tỏ rõ thái độ tự tin và cầu tiến của mình. Điều mà cô thay mặt các bạn cùng nhóm mình chuyển đến các doanh nghiệp, những người tuyển dụng là “Xin hãy tin chúng tôi, dù chỉ một lần”!

Với Thụy Khánh, tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế tài chính IV với tấm bằng loại khá cùng nhiều lời hứa hẹn giúp đỡ khiến cô rất an tâm và không còn nghĩ tới khuyết tật của mình. Nhưng thực tế lúc ra trường thì những lời hẹn chỉ là… lời hẹn, cô đành lạc quan với suy nghĩ làm gì cũng được, miễn là có việc làm và lương thiện. Nhưng điều cô phản đối nhất là "nhiều doanh nghiệp đã không nhìn chúng tôi bằng sự chia sẻ, tin tưởng mà nhìn bằng ánh mắt nghi ngại và thương hại”.

Hiện Khánh có nguồn đặt hàng thường xuyên liên kết với một cơ sở may ở Mỹ. Công việc không đúng với ngành học nhưng thu nhập 200 USD mỗi đợt hàng (1500 bao ghế) giúp cô có thêm tự tin tiếp tục bắt tay công việc, tiếp tục trau dồi anh văn, vi tính để trang bị kiến thức, tìm thêm những cơ hội sau này.

Người khuyết tật không thiếu chất "vàng"
Trong khi người lao động khuyết tật khó để tìm được việc thì có mâu thuẫn là không ít nhà tuyển dụng, doanh nghiệp muốn tuyển lại không tìm được. Hầu hết họ cho rằng, không hề đặt ra vấn đề thương hại trong cách nhìn, vì bản thân họ khi đã tìm đến những người khuyết tật là họ có tấm lòng mong được chia sẻ.
Chị Minh Thư (Giám đốc Công ty thời trang Minh Thư – P15,Q Phú Nhuận) là một doanh nghiệp thiết tha tuyển các bạn trẻ khuyết tật tới hợp tác làm việc ở công ty mình. Chị đã gọi điện thoại tới 215 Võ Thị Sáu (cơ sở dạy nghề NKT) không dưới ba lần và lần nào cũng chờ đợi không có kết quả. “Tới nay đã là tháng thứ 6, tôi không hiểu nổi tại sao khó có sự chấp thuận từ phía các cơ sở dạy nghề trong việc giới thiệu người như vậy. Công việc tôi yêu cầu là may áo dài, họ trả lời họ không có học sinh đáp ứng đủ yêu cầu thì tôi đã nói sẽ bỏ công đào tạo các bạn miễn phí để các bạn làm nơi tôi. Vậy mà vẫn không tuyển được người”?


Nguyễn Hữu Duy – ông chủ Vạn Thiên Sa, công ty chuyên sản xuất tranh cát thì khẳng định: Ở các bạn khuyết tật có tính cách tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì hơn bình thường. Đó là lí do tại sao tôi chọn được hai trong 4 bạn khuyết tật (trong khi chỉ một bạn trong 30 bạn bình thường đạt yêu cầu) đến xin làm tranh cát chỗ tôi. Với công việc mang tính thẩm mỹ đặc biệt này, anh Duy khẳng định, dù người lao động khuyết tật chưa từng làm nhưng nắm bắt được công việc và có sự say mê thì anh tin rằng họ có khả năng làm được việc và sẽ nhận đào tạo miễn phí, thực tế ngay tại công ty trong thời gian học nghề.


...Có những doanh nghiệp lại khó tìm được người lao động khuyết tật. 



Nhiều bạn trẻ tham gia hội thảo đã đặt ra vấn đề: “Chỉ một số ít những doanh nghiệp tham gia ở đây quan tâm, có tấm lòng với người khuyết tật. Trong khi đó cả nước ta hiện nay hơn 5 triệu người khuyết tật. Số người cần việc làm rất nhiều nhưng số người tiếp nhận từ chối, không nhiệt tình cũng không ít”.

“Đừng nhìn nhiều quá về góc độ khiếm khuyết vì chính trong hoàn cảnh ấy bạn làm được việc mới chứng tỏ được chất “vàng” trong con người bạn và việc sẽ cần bạn”. Đó là thông điệp tốt đẹp của sự sẻ chia tại cuộc hội thảo "Tại sao Người khuyết tật khó xin việc làm?" .


Theo jobsvietnam.net

Công nghệ thông tin – “cần câu” của người khuyết tật

Công nghệ thông tin là lĩnh vực phù hợp với người khuyết tật, cho nên họ rất cần những chính sách ưu đãi về đào tạo nghề cũng như cơ hội việc làm từ phía doanh nghiệp.

Công nghệ thông tin mở ra nhiều cơ hội cho người khuyết tật

Có nhận định cho rằng, công nghệ thông tin là cái tay của người khuyết tật vận động, cái tai của người khiếm thính, con mắt của người khiếm thị. Một nghề không cần đi lại nhiều chính là lợi thế để người khuyết tật tiếp cận và làm những công việc liên quan đến lĩnh vực này.
Là học viên đang theo học hệ 1 năm ngành Tin học tại trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội, Lê Trọng Dũng (Tĩnh Gia, Thanh Hoá), 20 tuổi, bị khuyết tật vận động. Do gia đình nghèo, đông con nên mặc dù tay trái bị teo và rất khó cử động, song từ bé Dũng đã là lao động chính trong gia đình để nuôi các em. 
Dũng tâm sự, tương lai của người khuyết tật sẽ rất mù mịt nếu họ không tự mình vươn lên, cũng như được trang bị một nghề ổn định để kiếm sống, giúp khẳng định được mình và không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Công nghệ thông tin chính là một cầu nối giúp người khuyết tật nhanh chóng hoà nhập cộng đồng, đặc biệt là tìm kiếm cơ hội việc làm. Dũng hy vọng, sau khi tốt nghiệp sẽ trở về quê và tìm một công việc liên quan đến tin học tại Khu kinh tế Nghi Sơn, bởi không có điều kiện để mở công ty riêng.
Nguyễn Thị Duyên ở Thái Bình, cũng bị khuyết tật vận động với căn bệnh xương thuỷ tinh, sau khi được đào tạo nghề công nghệ thông tin tại trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội cho biết: “công nghệ thông tin mở ra cho bọn em rất nhiều cơ hội để hoà nhập với cộng đồng. Sự hiểu biết từ công nghệ thông tin sẽ giúp người khuyết tật tìm được công việc ổn định và phù hợp. Cho dù không đi lại được nhiều, song công nghệ thông tin giúp bọn em “di chuyển” tới khắp nơi trên thế giới”. Tuy nhiên, điều cả Dũng và Duyên đều băn khoăn là liệu các doanh nghiệp có sẵn sàn đón nhận hồ sơ tuyển dụng của người khuyết tật hay không. Và khi trúng tuyển vào làm việc rồi, lao động là người khuyết tật có được đối xử công bằng như các thành viên khác.
Ông Hoàng Đức Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc đào tạo nghề công nghệ thông tin cho người khuyết tật là vô cùng cần thiết, bởi đây là một lĩnh vực phù hợp với đa số người khuyết tật, trong khi người khuyết tật là đối tượng lao động luôn có nghị lực phấn đấu đạt hiệu quả cao trong công việc. Song nếu chỉ có nhà trường và nhà tài trợ vẫn chưa đủ, bên cạnh đó, rất cần các doanh nghiệp, tổ chức… vào cuộc để giúp người khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.Bắt đầu từ năm 2007, trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội phối hợp với Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (CRS) xây dựng chương trình đào tạo công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật, với nhiều chính sách ưu đãi. Đến nay, đã có hơn 90 học viên hoàn thành các khoá đào tạo và hơn 2/3 trong số học viên tốt nghiệp đã tìm được công việc và có thu nhập ổn định.
Khi doanh nghiệp đặt niềm tin vào người khuyết tật
Thực tế cho thấy, việc sử dụng lao động là người khuyết tật tại các cơ quan, doanh nghiệp thời gian qua chưa nhiều. Hầu hết khi tuyển dụng, các đơn vị này đều dựa trên tinh thần nhân đạo của người quản lý, hay theo chương trình hợp tác với các tổ chức nhân đạo nước ngoài, chưa thực sự vì nhu cầu tuyển dụng của chính mình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tuyển dụng lao động là người khuyết tật không chỉ mở rộng cảnh cửa vào đời cho người khuyết tật, mà còn là cơ hội với các công ty, doanh nghiệp, bởi nhiều nghiên cứu mới đây trên thế giới đã công nhận lao động là người khuyết tật có đức tính chăm chỉ và lòng nhiệt huyết cao trong công việc.
Những lao động khuyết tật cũng có xu hướng làm việc lâu dài, góp phần giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí  đào tạo việc làm cho nhân viên mới. Cùng với đó, các doanh nghiệp có số lao động là người khuyết tật làm việc sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế đất phục vụ sản xuất kinh doanh, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác của Nhà nước.
Anh Trần Mạnh Huy, một người khuyết tật vận động, Giám đốc Công ty phần mềm VBPO đóng tại Đà Nẵng cho biết, hiện VBPO có tới 30% số lượng nhân viên là người khuyết tật. Theo anh Huy, công nghệ thông tin giúp “hàn gắn” những khiếm khuyết của người khuyết tật như vấn đề đi lại, di chuyển; đặc biệt về học vấn và bằng cấp, bởi khi tham gia công nghệ thông tin, khoảng cách giữa người khuyết tật và người bình thường sẽ được thu hẹp.
Trong một công ty, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, các lao động khuyết tật có thể đảm trách nhiều vị trí công việc liên quan đến công nghệ thông tin. Lao động khiếm thị có thể làm công việc chăm sóc khách hàng; những người bị khuyết tật ở chân, ngồi xe lăn, có thể làm công việc xử lý số liệu, làm website hay những công việc không yêu cầu đi lại vận động nhiều.
Kinh nghiệm tại Chi cục Thuế quận 1, TP HCM cho thấy, nhiều cử nhân công nghệ thông tin sau khi được tuyển dụng đã lần bỏ việc, tìm đến doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó, Chi cục được tư vấn tuyển dụng lao động là người khuyết tật đã qua đào tạo công nghệ thông tin vào làm việc. Đến nay, đã có 27 thanh niên khuyết tật làm về công nghệ thông tin tại Chi cục, trong đó 18 người đã trúng tuyển công chức ngành thuế.
Anh Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Vietotal chuyên về công nghệ thông tin cho rằng, bất cứ ai có thể đáp ứng được công việc về công nghệ thông tin thì anh sẵn sàng tiếp nhận, và chính người khuyết tật đã khẳng định được khả năng của mình trong công việc. Hiện Công ty anh có 1 nhân viên là người khuyết tật làm việc chính thức và đông đảo cộng tác viên cũng là người khuyết tật. Anh Hoàng quan niệm: “Doanh nghiệp không nhất thiết phải đi cho tiền người khuyết tật mà hãy trao cho họ khả năng và cơ hội việc làm. Khi doanh nghiệp đặt niềm tin vào người khuyết tật, chắc chắn họ không bao giờ phụ lòng tin vào doanh nghiệp”./.
Theo jobsvietnam.net/