Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Hiệu quả hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật tại Bắc Ninh

Thời gian qua, bên cạnh các trường dạy nghề cho người khuyết tật, một số địa phương trong tỉnh mở nhiều lớp dạy nghề do cá nhân, doanh nghiệp tổ chức, mang cơ hội được học nghề đến với người khuyết tật. Ý nghĩa hơn, sau khi dạy nghề, các cơ sở còn tạo điều kiện để người khuyết tật làm việc, có thu nhập, giúp họ sống tự tin hơn, làm chủ cuộc sống của mình, vơi bớt gánh nặng cho xã hội.

Hoạt động dạy nghề và tạo việc làm tại các cơ sở mở ra “chân trời mới” cho người khuyết tật (Trong ảnh: dạy nghề mây tre đan cho người khuyết tật Thuận Thành)

Hiện nay, mỗi năm Trung tâm dạy nghề -phục hồi chức năng cho người tàn tật tỉnh mở được 2 lớp học may cho khoảng 100 học viên, như vậy khó đáp ứng đủ nhu cầu việc làm cho người khuyết tật. Mặt khác, người khuyết tật có khả năng tiếp nhận công việc kém, tình trạng khuyết tật không giống nhau nên cần có những ngành nghề khác nhau phù hợp từng đối tượng này. Một số nghề phù hợp và thu hút nhiều người khuyết tật theo học tại các cơ sở là: may công nghiệp; mây, tre đan; thêu ren và gỗ mỹ nghệ. Thời gian đào tạo các nghề này mất khoảng 3 tháng nên việc học nghề tại cơ sở địa phương sẽ tạo điều kiện cho người khuyết tật “vững” tay nghề hơn khi vừa học, vừa làm.

Các lớp dạy nghề ở địa phương hầu hết là những cơ sở sản xuất vừa, nhỏ, thường xuyên cập nhật những đơn hàng mới. Vì thế, người khuyết tật sẽ được tiếp cận sự đa dạng của các mẫu hàng, trực tiếp làm ra sản phẩm thị trường cần. Cùng với việc được hỗ trợ chi phí ăn, ở, người khuyết tật còn có thêm thu nhập từ sản phẩm họ làm ra nếu đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Như Vỹ, Giám đốc Trung tâm dạy nghề -phục hồi chức năng cho người tàn tật tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, Trung tâm nỗ lực liên kết với một số cơ sở sản xuất tại địa phương nhằm tạo thêm cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Việc học nghề tại các cơ sở sẽ giúp người khuyết tật gặp nhiều thuận lợi hơn từ việc di chuyển, giảm chi phí sinh hoạt, nâng cao tay nghề, được tạo việc làm và có thêm thu nhập”.

Đến thăm một số cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, tận mắt nhìn thấy những người khuyết tật có thể tự tay làm ra những sản phẩm đa dạng đẹp mắt, có ích mới thấy được giá trị của việc đào tạo nghề cho người khuyết tật. Mỗi năm, Trung tâm dạy nghề -phục hồi chức năng cho người tàn tật tỉnh phối hợp HTX mây tre đan Phùng Hưng và các đơn vị mở 3 lớp dạy nghề mây tre đan tại các huyện Thuận Thành, Tiên Du và Quế Võ đào tạo nghề cho khoảng 90 người khuyết tật được học gối trong thời gian 5 tháng. Học viên được trang bị những kiến thức căn bản về nghề đan mây tre. Từ những mẫu đơn giản đến những kiểu dáng phức tạp. Các sản phẩm được dạy có thể phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo chủ nhiệm lớp: Trước khi đến học nghề, những người khuyết tật thường hay tự ti về bản thân. Để họ nhanh chóng tiếp cận với nghề, tôi thường dạy từ thực hành đến lý thuyết. Phương pháp này đã cho thấy sự hiệu quả, nhiều người khuyết tật qua học và thực hành có thể làm ra những sản phẩm đẹp. Sau khi học xong họ được cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Từ chỗ tưởng như là một gánh nặng cho xã hội thì họ có thể nuôi sống bản thân với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. 

Cơ sở dạy nghề thêu ren cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật tại Phú Hòa (Lương Tài) mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 30 người khuyết tật. Chủ cơ sở và học viên đều là những người trong cùng huyện, xã nên những khó khăn trong việc dạy nghề, học nghề luôn được khắc phục. Em Nguyễn Thị Phúc, một người khuyết tật được học nghề chia sẻ: “Học nghề tại đây em được dạy bảo tận tình như trong gia đình. So với bạn bè, em cũng tự tin hơn vì mình tìm được ngành nghề phù hợp. Em sẽ tiếp tục cố gắng học tập để nâng cao tay nghề và có thể tự nuôi sống bản thân mình”.

Bên cạnh HTX mây tre đan Phùng Hưng, cơ sở thêu ren Phú Hòa còn có HTX Toàn Phong (Gia Bình), Công ty xuất khẩu mây tre đan Ngọc Quyết (Tiên Du)…là những cơ sở dạy nghề giúp người khuyết tật vượt lên chính mình.

Hoạt động dạy nghề và tạo việc làm tại các cơ sở mở ra “chân trời mới” cho người khuyết tật. Song hiện nay, một số cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật đang gặp khó khăn về nguồn vốn, mặt bằng nên không có điều kiện tiếp nhận thêm người khuyết tật vào học, làm việc. Nhiều cơ sở đào tạo chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước. Để người khuyết tật được học và gắn bó với nghề lâu dài, cần tập hợp họ thành nhóm, tạo sự ổn định, phát triển bền vững cho các cơ sở dạy nghề. Bên cạnh đó, cần căn cứ vào ngành nghề truyền thống tại địa phương để mở những lớp dạy nghề cho phù hợp, để người khuyết tật có việc làm ổn định, thực sự hòa nhập được với cộng đồng.

Theo baobacninh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét