Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Bình định: "Chia sẻ yêu thương..."

Hôm nay (18.4) là Ngày Người khuyết tật Việt Nam. Đây là quy định tiến bộ trong luật pháp nước ta nhằm bảo vệ và giúp đỡ người khuyết tật, được Nhà nước ta đã thể chế hóa trong Luật Người khuyết tật có hiệu lực từ ngày 1.1.2011. Cụ thể, tại Điều 11 của luật này quy định cụ thể “Ngày 18.4 hàng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam”.

Trong nhiều năm qua, việc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây là chỗ dựa hết sức quan trọng để cộng đồng người khuyết tật có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế, xã hội như mọi người bình thường; đặc biệt là có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội ổn định.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật đã vận dụng tốt phương châm xã hội hóa. Theo đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhiệt tình ủng hộ tiền, hàng hóa, công lao động, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật. Hàng nghìn lượt người khuyết tật đã được trợ cấp khó khăn, được khám chữa bệnh miễn phí, được tặng xe lăn để vượt qua khó khăn, có điều kiện thuận lợi hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Được sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, nhiều người khuyết tật đã có điều kiện có nghề nghiệp, có việc làm để sinh sống, không ít người xây dựng được cuộc sống hạnh phúc như người bình thường.

Tuy nhiên, dù cuộc sống của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, việc dạy văn hóa, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Vấn đề mấu chốt giúp người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng là tạo việc làm cho họ, nhưng hiện nay tỉ lệ người khuyết tật thất nghiệp vẫn còn cao. Nhiều người khuyết tật còn khả năng lao động, bằng nghị lực đã vươn lên, mong muốn tìm được việc làm phù hợp để không là gánh nặng của gia đình và xã hội nhưng cũng khó có việc làm ổn định… Đây là những rào cản làm hạn chế khả năng cũng như sự hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật.

Để giúp người khuyết tật vững vàng vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập tốt với cộng đồng, bên cạnh sự hỗ trợ mang tính từ thiện nhân đạo ngắn hạn, tức thì cần có sự hỗ trợ căn bản và dài hơi hơn như: hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếp cận thông tin đối với người khuyết tật; đào tạo, hướng dẫn cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin; phát hiện và can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng; trợ giúp xã hội và pháp lý giúp người khuyết tật tiếp cận các vấn đề về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, sử dụng các công trình xây dựng và tham gia giao thông công cộng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí… đây là các yếu tố cơ bản để người khuyết tật có thêm những cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống.

Vì vậy, Ngày Người khuyết tật Việt Nam năm nay là dịp để chúng ta nhìn lại công tác chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, thấy rõ mặt làm được và những việc chưa làm được, từ đó ý thức hơn về trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật. Đặc biệt, nhân dịp này chúng ta tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, cùng chia sẻ yêu thương, chăm sóc và giúp đỡ nhiều hơn để người khuyết tật ngày càng vững vàng, sống tự tin hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Theo baobinhdinh.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét