Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Khi doanh nghiệp đi tìm người khuyết tật



Gần 100 bạn trẻ khuyết tật, doanh nghiệp, những người quan tâm tới việc làm cho người khuyết tật đã cùng ngồi lại, chia sẻ về khó khăn trong công việc tại Hội thảo "Tại sao Người khuyết tật khó xin việc làm?" . Hội thảo (ngày 20/8) đầu tiên về việc làm cho người khuyết tật.

"Hãy một lần tin tưởng chúng tôi"!
Bức xúc chung nhất của hơn 100 bạn trẻ khuyết tật đến với hội thảo này: quá nhiều khó khăn để có một việc làm ổn định cho người khuyết tật. Đa số họ khi nộp đơn xin việc, đều không nhận được hồi âm. Hoặc nếu có được gọi đến phỏng vấn thì sau đó cũng là một sự im lặng. Sự im lặng bình thường được hiểu là không có sự hợp tác, nhưng đối với những người khuyết tật, thái độ ấy dễ khiến họ suy ra nhiều hàm nghĩa: thiếu tôn trọng, thiếu sẻ chia, và có cả… coi thường.
Để vượt lên, sống tự tin, đòi hỏi nghị lực của những người khuyết tật không hề nhỏ. Và thực tế họ gặp phải khó khăn từ rất nhiều phía: Các chính sách, đãi ngộ đối với người khuyết tật chưa làm đến nơi; trường dạy nghề cho người khuyết tật còn quá lý thuyết, không có cơ hội thực hành, làm quen, giới thiệu chính mình với doanh nghiệp; Môi trường công việc trong các công ty đa phần không có những cơ sở vật chất phù hợp thể trạng người khuyết tật; Doanh nghiệp yêu cầu ở họ quá nhiều điều bất cập đối với khả năng của phần khiếm khuyết...
Ngọc Bích (Sinh viên khoa Xã hội học – ĐH KHXH&NV) chia sẻ: Bạn đã tốt nghiệp ĐH Văn Lang, nhưng khi đi xin việc, công việc văn phòng mà bạn nhận được theo lời hứa thực chất chỉ là ghi danh và không làm gì hơn. Hiện nay, Ngọc Bích đang học văn bằng 2 ĐH KHXH&NV. Ở đâu, cô cũng tỏ rõ thái độ tự tin và cầu tiến của mình. Điều mà cô thay mặt các bạn cùng nhóm mình chuyển đến các doanh nghiệp, những người tuyển dụng là “Xin hãy tin chúng tôi, dù chỉ một lần”!

Với Thụy Khánh, tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế tài chính IV với tấm bằng loại khá cùng nhiều lời hứa hẹn giúp đỡ khiến cô rất an tâm và không còn nghĩ tới khuyết tật của mình. Nhưng thực tế lúc ra trường thì những lời hẹn chỉ là… lời hẹn, cô đành lạc quan với suy nghĩ làm gì cũng được, miễn là có việc làm và lương thiện. Nhưng điều cô phản đối nhất là "nhiều doanh nghiệp đã không nhìn chúng tôi bằng sự chia sẻ, tin tưởng mà nhìn bằng ánh mắt nghi ngại và thương hại”.

Hiện Khánh có nguồn đặt hàng thường xuyên liên kết với một cơ sở may ở Mỹ. Công việc không đúng với ngành học nhưng thu nhập 200 USD mỗi đợt hàng (1500 bao ghế) giúp cô có thêm tự tin tiếp tục bắt tay công việc, tiếp tục trau dồi anh văn, vi tính để trang bị kiến thức, tìm thêm những cơ hội sau này.

Người khuyết tật không thiếu chất "vàng"
Trong khi người lao động khuyết tật khó để tìm được việc thì có mâu thuẫn là không ít nhà tuyển dụng, doanh nghiệp muốn tuyển lại không tìm được. Hầu hết họ cho rằng, không hề đặt ra vấn đề thương hại trong cách nhìn, vì bản thân họ khi đã tìm đến những người khuyết tật là họ có tấm lòng mong được chia sẻ.
Chị Minh Thư (Giám đốc Công ty thời trang Minh Thư – P15,Q Phú Nhuận) là một doanh nghiệp thiết tha tuyển các bạn trẻ khuyết tật tới hợp tác làm việc ở công ty mình. Chị đã gọi điện thoại tới 215 Võ Thị Sáu (cơ sở dạy nghề NKT) không dưới ba lần và lần nào cũng chờ đợi không có kết quả. “Tới nay đã là tháng thứ 6, tôi không hiểu nổi tại sao khó có sự chấp thuận từ phía các cơ sở dạy nghề trong việc giới thiệu người như vậy. Công việc tôi yêu cầu là may áo dài, họ trả lời họ không có học sinh đáp ứng đủ yêu cầu thì tôi đã nói sẽ bỏ công đào tạo các bạn miễn phí để các bạn làm nơi tôi. Vậy mà vẫn không tuyển được người”?


Nguyễn Hữu Duy – ông chủ Vạn Thiên Sa, công ty chuyên sản xuất tranh cát thì khẳng định: Ở các bạn khuyết tật có tính cách tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì hơn bình thường. Đó là lí do tại sao tôi chọn được hai trong 4 bạn khuyết tật (trong khi chỉ một bạn trong 30 bạn bình thường đạt yêu cầu) đến xin làm tranh cát chỗ tôi. Với công việc mang tính thẩm mỹ đặc biệt này, anh Duy khẳng định, dù người lao động khuyết tật chưa từng làm nhưng nắm bắt được công việc và có sự say mê thì anh tin rằng họ có khả năng làm được việc và sẽ nhận đào tạo miễn phí, thực tế ngay tại công ty trong thời gian học nghề.


...Có những doanh nghiệp lại khó tìm được người lao động khuyết tật. 



Nhiều bạn trẻ tham gia hội thảo đã đặt ra vấn đề: “Chỉ một số ít những doanh nghiệp tham gia ở đây quan tâm, có tấm lòng với người khuyết tật. Trong khi đó cả nước ta hiện nay hơn 5 triệu người khuyết tật. Số người cần việc làm rất nhiều nhưng số người tiếp nhận từ chối, không nhiệt tình cũng không ít”.

“Đừng nhìn nhiều quá về góc độ khiếm khuyết vì chính trong hoàn cảnh ấy bạn làm được việc mới chứng tỏ được chất “vàng” trong con người bạn và việc sẽ cần bạn”. Đó là thông điệp tốt đẹp của sự sẻ chia tại cuộc hội thảo "Tại sao Người khuyết tật khó xin việc làm?" .


Theo jobsvietnam.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét