Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật từ công nghệ thông tin

Những năm vừa qua, nhiều cơ sở đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật trên cả nước được ra đời, trong đó, có những nơi 65-70% học viên tốt nghiệp tìm được việc làm ổn định. Kết quả này đã minh chứng cho hướng đi đúng đắn trong việc đào tạo công nghệ thông tin  cho người khuyết tật, mở ra nhiều cơ hội để họ hòa nhập với xã hội, sống được bằng sức lao động của mình.

Đưa người khuyết tật đến gần hơn với công nghệ thông tin.
Một trong những công việc đơn giản sử dụng công nghệ thông tin phù hợp với người khuyết tật đó là gõ captcha. Đây là công việc giúp các website đưa lên những đoạn mã xác nhận để phân biệt người sử dụng hay máy vi tính. Ngô Thị Hà (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), cũng là người khuyết tật đã khởi xướng công việc này và giới thiệu đến nhiều người khuyết tật khác. Đến nay, gõ captcha đã trở thành việc làm thường xuyên cho hơn 20 người khuyết tật. Ngô Thị Hà chia sẻ: "Mọi người rất hứng khởi khi có một công việc có thể nuôi sống bản thân. Nhiều người khuyết tật rất kiên trì, theo đến cùng để có việc làm ổn định". Chị Trần Xuân Hồng (sinh năm 1980, quê Nam Định) bị liệt nửa người từ khi học lớp 5, tâm sự: "Công việc gõ captcha rất phù hợp với tôi. Nó khiến tôi rất vui, không còn nghĩ mình là người thua thiệt trong xã hội, là gánh nặng của gia đình nữa. Hơn nữa, có được việc làm cũng giúp những người khuyết tật như tôi cảm thấy mình không vô dụng, yêu đời hơn, sống tự tin hơn và chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa như bây giờ. Dù thu nhập không cao lắm nhưng quan trọng là tôi đã tự kiếm được tiền, có thêm niềm tin vào cuộc sống".

Hoàng Đức Tài - học viên khóa đầu tiên trong chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật tại Trường Đại học Văn Lang, hiện là chủ một doanh nghiệp về lĩnh vực phân bón, chia sẻ: "Trước khi tham gia khóa học, tôi luôn có tâm lý mặc cảm, tự ti với cuộc sống. Khóa học công nghệ thông tin đã giúp tôi xóa bỏ khoảng cách với xã hội, đó là một điều rất thành công với tôi. Ngoài việc được học những kiến thức về công nghệ thông tin, tôi còn được giao lưu với các bạn sinh viên, phát triển các kỹ năng mềm, phục vụ cho cuộc sống sau này".

Một buổi học tại lớp dạy công nghệ thông tin cho người khuyết tật ở Trung tâm Nghị lực sống. Ảnh do Trung tâm Nghị lực sống cung cấp

Tốc độ phát triển của công nghệ thông tin mang lại nhiều cơ hội cho người khuyết tật trong độ tuổi lao động tham gia vào thị trường việc làm. Nếu như trước đây, người khuyết tật được đào tạo các nghề chủ yếu như làm thợ thủ công, làm văn phòng phẩm, xoa bóp bấm huyệt... với mức thu nhập chỉ vào khoảng 1,8 triệu đồng/tháng thì hiện tại, dạy nghề công nghệ thông tin được xem như là một bước đi mới, đúng đắn trong đào tạo nghề, đem lại thu nhập cao hơn cho người khuyết tật.

Thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập xã hội
Số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, hiện tại, ước tính cả nước có hơn 7 triệu người khuyết tật (chiếm khoảng 7,8% dân số), trong đó có gần 400.000 người khuyết tật nặng. Theo kết quả các cuộc điều tra về người khuyết tật do Bộ LĐTB&XH thực hiện trong các năm 1995, 2005 và năm 2011, ước tính trong 6 nhóm dạng khuyết tật, có khoảng 30% khuyết tật vận động; hơn 16% khuyết tật tâm thần, thần kinh; gần 10% khuyết tật trí tuệ; khoảng 12% khuyết tật nghe nhìn, gần 11% khuyết tật nghe, nói và hơn 20% là đa khuyết tật.

Để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường lao động, cơ hội việc làm thu nhập ổn định cho người khuyết tật, chính sách Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật học nghề và việc làm ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, Luật Người khuyết tật với nhiều quy định cụ thể là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy công tác dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật. Hiện nay, cả nước có 1.130 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm, các cơ sở này đã tổ chức dạy nghề cho 7000-8000 người khuyết tật.

Chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật nằm trong dự án "Hòa nhập người khuyết tật Việt Nam" với sự trợ giúp của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Catholic Relief Services (CRS) đã được thực hiện từ năm 2007, đến nay đã đào tạo cho hơn 1.400 người khuyết tật với khoảng 1.100 học viên đã tốt nghiệp. Trong đó, khoảng 65 -70% học viên khóa dài hạn tốt nghiệp đã có việc làm ổn định. Tạo việc làm cho người khuyết tật, trong đó có giải pháp đào tạo công nghệ thông tin đã giúp người khuyết tật hòa nhập hơn trong cuộc sống, giúp họ từng bước độc lập về kinh tế, không còn phải phụ thuộc vào hỗ trợ từ phía gia đình, từ thiện và các khoản phúc lợi xã hội. Công nghệ thông tin không còn là "cần câu cơm" tạm thời mà nó tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho người khuyết tật.

Theo nccd.molisa.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét