Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Cần có chính sách đặc thù dạy nghề cho người khuyết tật


Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ mồ côi (NKT-TMC) là một trong sáu chương trình trọng tâm của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT-TMC) Việt Nam trong hai nhiệm kỳ (2007 - 2012 và 2012 - 2017). Để giúp NKT-TMC cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng xã hội tốt hơn, đối tượng xã hội đặc thù này rất cần một chính sách dạy nghề phù hợp. 
Trong tám năm qua, Hội được Nhà nước quan tâm cấp gần 15 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia để dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Hội Bảo trợ NTT-TMC Việt Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm dạy nghề, tạo việc làm cho NKT tại các đơn vị ngoài công lập, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm dạy nghề, tạo việc làm của các hội NTT-TMC tỉnh, thành phố. Đã ra đời nhiều trung tâm dạy nghề tư nhân theo hình thức truyền nghề, vừa học, vừa làm; đến nay, 5.458 NKT-TMC đã được dạy nghề, trong đó số người có việc làm là 4.393 người. Các nghề đào tạo chủ yếu là nghề may, làm hương và chổi đót, với thời gian học từ hai tháng đến bốn tháng.

Tại các đơn vị ngoài công lập, chỉ với tinh thần trợ giúp NKT vươn lên, hòa nhập cộng đồng, các tỉnh, thành hội mới củng cố được quyết tâm sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện nghiêm túc việc xây dựng mô hình thí điểm. Nhiều tỉnh, thành hội và đơn vị dạy nghề đã tìm mọi cách đóng góp, hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án. Một số đơn vị chuẩn bị chu đáo giải quyết việc làm cho NKT trong quá trình dạy nghề và ngay sau khi kết thúc lớp học. Việc mở sổ sách theo dõi lớp, danh sách học viên, các mẫu biểu, cơ bản được thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, rào cản trước hết đến từ chính gia đình NKT. Bố mẹ, anh em còn chưa tin họ có thể tự làm, tự nuôi sống bản thân. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, vận động tuyển sinh rất vất vả, trong khi kinh phí hỗ trợ tuyển sinh quá thấp. Đến được lớp, nhưng bộn bề khó khăn tiếp tục bủa vây NKT. Học viên có trình độ văn hóa chênh lệch, nhiều em không biết chữ. NKT ở nhiều dạng tật nguyền cùng học một nghề hiệu quả thế nào cũng là chuyện. Đơn vị tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật không có giáo trình thống nhất. Giáo trình của Tổng cục Dạy nghề quy định, thời gian học nghề trình độ sơ cấp phải ba tháng trở lên (với đối tượng "cầm tay chỉ việc" là người bình thường thì thời gian phải dưới ba tháng), đối với NKT là không hợp lý bởi họ phải cần nhiều hơn thời gian thực hành.

Rõ ràng, chính sách đó là cho số đông người bình thường chứ chưa quan tâm tới NKT. Luật NKT đã ghi rõ các chế độ hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc. Một số doanh nghiệp trong nước, liên doanh đã nhận NKT vào làm việc, bởi cảm phục nỗ lực từ NKT, bởi họ sống tự tin, hòa nhập và rất chăm chỉ nâng cao tay nghề. Nhưng không ít doanh nghiệp vẫn không mặn mà nhận NKT. Nào là vì sức khỏe không bảo đảm, nghỉ ốm nhiều. Nào là thời gian làm việc của NKT khác người lao động bình thường, thay đổi, luân chuyển các nhiệm vụ trong dây chuyền mất nhiều thời gian bố trí...
Để thời gian học và thực hành sát nhu cầu, tâm lý, sức khỏe của NKT-TMC, Tổng cục Dạy nghề cần biên soạn thống nhất chương trình, giáo trình khung dành riêng cho NKT. Thời gian học nghề tại các đơn vị có tổ chức dạy nghề cho NKT với phương thức "cầm tay chỉ việc", theo các chuyên gia phải ít nhất là bốn tháng. Giảm bớt thủ tục hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu theo Quyết định số 62/2008 cho phù hợp với NKT học nghề hoặc nghiên cứu biểu mẫu riêng hợp lý. Chỉnh sửa, bổ sung chính sách đãi ngộ phù hợp với các giáo viên dạy nghề, truyền nghề cho NKT, để khuyến khích, giữ chân những giáo viên có tâm huyết. Xã hội hóa mạnh mẽ hơn những dịch vụ xã hội mà Nhà nước không thể "ôm" xuể và cũng không đủ lực với tới trong việc giúp đỡ, chăm sóc NKT.
Theo nhandan.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét