Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Việc làm cho người khuyết tật : Chật vật công tác đào tạo

Việc đào tạo nghề cho người khuyết tật hiện đang gặp rất nhiều khó khăn từ việc chưa có 1 giáo trình cụ thể, cơ sở vật chất chưa đáp ứng… cho tới các khó khăn về sinh hoạt hàng ngày cho các học viên.

Vấn đề việc làm cho người khuyết tật là vấn đề nan giải đang đặt ra cho các cấp, hội liên quan cũng như ngành lao động thương binh xã hội hiện nay. Ngoài những khó khăn khi người khuyết tật không biết đăng ký ở đâu, học nghề gì để có cơ hội hòa nhập cộng đồng, thì công tác đào tạo cũng gặp không ít chật vật.
Cô Nguyễn Thị Liễu, Trưởng Phòng tư vấn phục hồi chức năng và quản lý học sinh, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người tàn tật tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong lớp học, độ tuổi và các loại khuyết tật của các em đều không giống nhau, do vậy chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy. Mỗi một buổi đào tạo nghề cho người khuyết tật, chúng tôi phải rất vất vả để truyền đạt kiến thức cho các em. Giáo viên phải dạy tỉ mỉ, chi tiết, uốn nắn và thực hiện các thao tác, đồng thời bám sát từng học viên tàn tật khác nhau”.
Và điều khó khăn nhất hiện nay đối với trường dạy nghề cho người khuyết tật là chưa hề có một giáo trình cụ thể cho việc giảng dạy. Để giúp học viên nắm vững kiến thức lý thuyết cũng như thực hành, các giáo viên phải vừa dạy, vừa học và rút ra kinh nghiệm cho từng đối tượng. Theo đó, mỗi hình thức đào tạo sẽ có quy định cụ thể về thời gian học và mức độ học, để phù hợp với trình độ nhận thức của các học viên.
   Việc làm cho người khuyết tật (3): Chật vật công tác đào tạo - Ảnh 1Cô Liễu phải dạy rất tỉ mỉ mới truyền đạt được hết kiến thức cho các học viên
Cũng theo cô Liễu, việc quy định về thời gian đào tạo nghề đã gây ra những khó khăn nhất định trong việc đào tạo cho người khuyết tật. Đối với người khuyết tật, việc dạy nghề và giúp các học viên thành thạo với nghề phải mất thời gian gấp 3 - 4 lần so với người bình thường, thậm chí còn nhiều hơn thế. Công việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian nhưng nếu kéo dài thời gian đào tạo thì sẽ vi phạm Luật Lao động và các quy định liên quan.
Hơn nữa, kinh phí hàng năm dành cho công tác giảng dạy rất hạn hẹp. Mặc dù đã được sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhưng hiện nay, đào tạo nghề cho người khuyết tật vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu dạy và học cho các học viên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Công Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người tàn tật tỉnh Nghệ An cho biết: “Một số trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường. Chẳng hạn như nghề mộc, giờ ở các xí nghiệp làm mộc việc cơ khí hóa đã diễn ra từ lâu nhưng ở trung tâm, nghề mộc vẫn phải dùng bằng tay”.
Cũng theo ông Chiến, trong lớp dạy nghề độ tuổi người khuyết tật dao động từ 13 – 30 tuổi nên cũng tạo ra khó khăn cho người giảng dạy. Việc bố trí học nghề phù hợp với các dạng khuyết tật là việc làm không đơn giản. Học viên vào học nghề, một số em chưa trang bị kiến thức văn hóa cần thiết, cá biệt có một số em chưa biết đọc biết viết, do đó việc tiếp thu bài cũng gặp không ít khó khăn.
Em Nguyễn Thị Nga (SN 1996), quê tại huyện Yên Thành (Nghệ An) bị điếc bẩm sinh chia sẻ: “Lúc mới vào em rất nhớ nhà, việc học cũng thấy không tiến bộ nên em rất buồn. Nhưng sau một thời gian, em thấy nhiều bạn và anh chị còn khó khăn hơn mình mà vẫn cố gắng học tập. Em nghĩ mình cũng phải gắng lên, học lấy cái nghề về còn phụ giúp gia đình. Giờ đây em đã biết may nhanh hơn và nhiều lần còn được cô giáo khen nữa”.
Một khó khăn nữa trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật cũng đang khiến những người quản lý phải đau đầu, đó là việc ăn uống và sinh hoạt của các em. Với sự hỗ trợ của nhà nước kết hợp với gia đình, mỗi em chỉ có 500.000 đồng/tháng, trong đó, mỗi bữa ăn chỉ có 6.000 đồng. Với giá cả thị trường ngày càng tăng cao như hiện nay, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, lo bữa ăn cho học sinh nội trú trở nên vất vả hơn.
Chính vì vậy, để giúp đỡ các học viên vừa luyện tay nghề thực tế vừa có thêm thu nhập, trung tâm đã liên kết với một số cơ sở may mặc, xưởng gỗ… nhận một khâu nào đó trong dây chuyền sản xuất về những mặt hàng đơn giản cho các em tập làm.
“Tính ra giá mỗi sản phẩm rất thấp, mỗi chiếc áo nắng có giá 7.000 đồng, găng tay thì 1.200 đồng/chiếc… đó là chưa kể điện, nước, sợi chỉ, máy móc là do trung tâm cung cấp. Thực chất là không có một đồng lời nào, nhưng chúng tôi vẫn kiếm các đơn đặt hàng về cho các em với mục đích học là chính”, cô Liễu chia sẻ.
   Việc làm cho người khuyết tật (3): Chật vật công tác đào tạo - Ảnh 2
   Việc làm cho người khuyết tật (3): Chật vật công tác đào tạo - Ảnh 3Các đôi găng tay do học viên khuyết tật làm được bán ra với giá 1.200 đồng/chiếc
Những sản phẩm do các học viên khuyết tật làm vô cùng cẩn thận và kỳ công, nếu bán ở thị trường thì giá dao động từ 180.000 – 200.000 đồng/áo.
Những vướng mắc trong công tác đào tạo đang được các cấp lãnh đạo cùng toàn thể nhân viên trong trường tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, vấn đề thực sự nan giải nhất hiện nay là việc làm của người khuyết tật sau khi kết thúc khóa đào tạo ở trung tâm.
“Đào tạo nghề cho người bình thường đã khó, nay đào tạo nghề cho người khuyết tật khó gấp trăm lần. Nhưng làm thế nào để các em học được nghề và sống được bằng nghề đó, đây thực sự là bài toán khó”, ông Chiến chia sẻ thêm.
Theo thống kê, sau khi kết thúc khóa đào tạo, chỉ có 60% người khuyết tật tìm kiếm được việc làm, còn lại 40% là phải trở về địa phương, phụ thuộc vào gia đình.
Thiết nghĩ, vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn nếu chưa có sự chung tay của các cấp, ban ngành.
Theo nguoiduatin.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét