Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

TP Hồ Chí Minh: Cần chung tay tạo việc làm cho người khuyết tật


TP Hồ Chí Minh có tổng số người khuyết tật chiếm khoảng 1% dân số và mỗi năm Thành phố đã giúp đỡ hàng ngàn người khuyết tật có nghề và có việc làm.
Chính sách việc làm với mục tiêu phải tạo ra điều kiện và cơ hội để mọi người lao động có việc làm, có thu nhập bảo đảm cuộc sống bản thân và gia đình đồng thời đóng góp một phần cho xã hội. Trong đó, đặc biệt quan tâm những người lao động yếu thế trong xã hội do có những khiếm khuyết đã ngăn cản hoặc hạn chế họ tham gia thuận lợi vào thị trường lao động để có một việc làm ổn định. Đảng, Nhà nước và cả xã hội chúng ta hiện đang quan tâm tới vấn đề việc làm cho người khuyết tật.

Dạy vi tính cho học sinh khiếm thị ở trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Ảnh:Vĩnh Tùng) 

Tại TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Thành phố đã chú trọng tới các giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật hòa nhập cuộc sống. Theo số liệu của Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2006-2010, bình quân mỗi năm đào tạo trên 1000 người và giải quyết việc làm cho trên 500 người khuyết tật.

Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật đang là bài toán đặt ra không chỉ với TP Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Trên địa bàn Thành phố vẫn còn khá đông lao động khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu tìm việc làm. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, tổng số người trong độ tuổi lao động khuyết tật có nhu cầu việc làm hàng năm tại Thành phố ước tính trung bình khoảng trên 15.000 người. 
Thực tế cho thấy, mỗi năm bình quân Thành phố thu hút hàng trăm nghìn chỗ làm việc. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, dự báo nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, bình quân mỗi năm Thành phố thu hút trên 280.000 chỗ làm việc (trong đó 120.000 chỗ làm việc mới). Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết những nhóm ngành có thể sử dụng nhiều người khuyết tật là: công nghệ thông tin, điện - điện tử, kế toán, may, giày da, thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là những ngành nghề có nhu cầu lao động cao tại Thành phố. Vậy phải có cơ chế nào để tạo việc làm cũng như giúp người lao động khuyết tật có việc làm?
Hiện nay, vấn đề dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật còn nhiều hạn chế. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, trình độ học vấn chung của người khuyết tật thấp hơn so với lực lượng lao động xã hội, từ đó khó khăn trong học nghề ảnh hưởng đến khả năng tham gia thị trường lao động với nhiều nghề mà người khuyết tật có thể làm việc như: điện, điện tử, công nghệ thông tin...
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa thật sự muốn sử dụng người khuyết tật, vì vậy nhiều người khuyết tật vẫn khó tìm việc làm, đặc biệt sinh viên là người khuyết tật tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp. Một số người khuyết tật có trình độ song lại thiếu tự tin nên ảnh hưởng tới vấn đề việc làm.
Để giải quyết được nhiều người khuyết tật học nghề, có việc làm thì cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Trước hết, cần có chính khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và hỗ trợ hướng nghiệp người khuyết tật giúp họ tự chọn nghề phù hợp để học và tự tạo việc làm, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, Nhà nước, các tổ chức cần có sự hỗ trợ các công cụ trợ giúp để người khuyết tật có điều kiện đi lại, giao tiếp để học nghề và tiếp cận việc làm; cung cấp thông tin và nâng cao trình độ nhận thức về xã hội và pháp lý cho người khuyết tật; chia ra những mức độ khuyết tật khác nhau để chính sách trợ giúp thích hợp. Hàng năm nên tổ chức hội thi tay nghề, ngày hội việc làm của người khuyết tật, các nghiên cứu khoa học, dự án hỗ trợ dạy nghề và giải pháp việc làm cho người khuyết tật Thành phố.
Theo dubaonhanluchcmc.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét