Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Chung tay giải quyết việc làm cho người khuyết tật

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (NKT), trong đó 60% NKT trong độ tuổi lao động và tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Thế nhưng, chỉ có khoảng 50% số này có việc làm. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật đã, đang là vấn đề quan tâm của toàn xã hội.


Trong ngày hội việc làm lần thứ 2, chàng trai khuyết tật Ngô Duy Quang đang vào mạng tìm hiểu thông tin. 

Được biết, để giúp NKT hòa nhập với cộng đồng và có động lực vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm. Cụ thể là đã tạo điều kiện thuận lợi từ phát triển hạ tầng cơ sở cho đến chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia học nghề cũng như giáo viên dạy nghề. Nhờ vậy, số cơ sở dạy nghề ở nước ta đã tăng lên cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo, đồng thời công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật từng bước được xã hội hóa với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân. Tính đến nay, cả nước có 256 cơ sở dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho người khuyết tật, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt. Các cơ sở dạy nghề dành riêng cho NKT được ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, hỗ trợ vốn, cấp kinh phí đào tạo, miễn giảm thuế, được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đối với các cơ sở dạy nghề khác, khi nhận NKT vào học nghề sẽ được ưu tiên đầu tư, bảo đảm định mức kinh phí đào tạo. Còn với NKT trong thời gian học nghề sẽ được cấp học bổng và trợ cấp xã hội, được miễn hoặc giảm học phí căn cứ vào mức độ khuyết tật và suy giảm khả năng lao động.

Thế nhưng, thực tế cho thấy số lượng người được học nghề vẫn còn thấp, tỷ lệ tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn rất khiêm tốn và chủ yếu là tự tạo việc làm, số có thể tìm được việc làm trong các doanh nghiệp lớn hầu như không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của chính quyền một số địa phương về dạy nghề và tạo việc làm cho NKT vẫn còn chưa đầy đủ; hệ thống cơ sở dạy nghề cho NKT vừa yếu, vừa thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng công tác dạy nghề cho đối tượng. Thêm nữa, nội dung chương trình, ngành nghề và hình thức đào tạo cũng chưa hợp lý, kết cấu quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa có những giáo trình dành riêng cho NKT...

Anh Trần Bá Trường, sinh viên năm thứ 4 khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) bị liệt hai chân, đến với ngày hội việc làm do Thành đoàn Hà Nội tổ chức mới đây với mong muốn được tư vấn và tìm một công việc phù hợp. Trao đổi với chúng tôi, Trường cho biết: "Nhờ sự quan tâm của gia đình và xã hội, tôi được học hành tử tế và cơ hội tìm việc làm tương đối dễ. Thế nhưng, ngoài xã hội vẫn còn không ít những người có cùng hoàn cảnh không được may mắn như tôi. Và họ càng không có điều kiện tiếp xúc với mạng internet hay sách báo một cách thường xuyên để biết và đến với ngày hội việc làm tìm kiếm cơ hội...".

Còn Ngô Duy Quang, một chàng trai khuyết tật vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Tin học Hà Nội tâm sự: "Hiện nay, vẫn còn không ít NKT còn tự ti, mặc cảm với bản thân nên không dám đi xin việc. Không ít bạn cùng cảnh ngộ tâm sự với tôi rằng, nhà tuyển dụng sẽ không bao giờ tuyển dụng NKT vào làm việc, vì họ nghĩ NKT không thể đảm đương được công việc. Suy nghĩ này là sai lầm, mong mọi người hãy mạnh dạn tìm đến ngày hội việc làm để có thêm tự tin đứng lên bằng đôi chân của chính mình, bởi sau chúng ta có cả xã hội giúp đỡ mình".

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Thanh, phụ trách Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết: "Thông qua các hội, các tổ chức từ thiện, chúng tôi thông tin đến NKT những việc làm thích hợp. Ðồng thời, tích cực khai thác nhu cầu tuyển dụng từ phía các doanh nghiệp, trở thành cầu nối giữa người lao động khuyết tật và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay còn rất đông NKT vẫn còn tâm lý e dè, tự ti. Mời các bạn hãy đến với trung tâm giới thiệu việc làm và ngày hội tư vấn để chúng ta trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, cũng như khả năng của nhau... Nếu hai bên gặp được nhau thì không thiếu những công việc phù hợp cho các bạn". Bà Vũ Thị Thanh còn cho biết thêm: Sau khi giới thiệu công việc cho NKT, phía trung tâm thường nhận được phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều có chung nhận xét, khi đã quen việc thì NKT làm việc với thái độ tích cực, nhiệt tình và rất chăm chỉ.

Nhu cầu việc làm của NKT là rất bức thiết. Để có kết quả lâu dài, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Theo dphanoi.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét